TTV Translate - Ứng dụng convert truyện trên mobile
Hướng dẫn đăng truyện trên website mới
Đăng ký convert hoặc Thông báo ngừng
Trang 3 của 11 Đầu tiênĐầu tiên 12345 ... CuốiCuối
Kết quả 11 đến 15 của 52

Chủ đề: [Kiếm hiệp] Phi Hổ Thương - Hoàn thành

  1. #11
    Ngày tham gia
    Oct 2008
    Bài viết
    348
    Xu
    0

    Mặc định

    PHI HỔ THƯƠNG
    Tác giả: Nguyên Tiến Quang
    ngtienquang@gmail.com

    CHƯƠNG 10: NGUY HIỂM TRÙNG TRÙNG


    Đưa mắt nhìn đám đổ nát của ngôi miếu cũ, nơi chôn cất tạm bợ và sơ sài của My phu nhân, trong lòng Triệu Vân không khỏi cảm thấy xót xa.

    Buông một tiếng thở dài, mặt nghiêm lại, Triệu Vân nói:
    - Giờ đã tìm được A Đẩu, chỉ tiếc rằng chủ mẫu vì thương thế quá nặng khó lòng qua khỏi, vì thế người đã hy sinh tính mệnh để khỏi làm chúng ta bận tâm, hầu toàn lực bảo vệ ấu chúa. Ta phải hết lòng đừng để người quá cố thất vọng và không để phụ lòng tin dùng của chúa tướng.

    Ngừng một lát để lấy hơi, Triệu Vân nói tiếp:
    - Giờ ta chỉ còn cách tìm đường nhanh nhất đưa A Đẩu về với Hoàng Thúc, ta vốn tưởng thiên hạ rộng rãi mênh mông, khó có người cầm chân, nhưng giờ đây hàng vạn binh Tào bao bọc xung quanh, cho nên chỉ còn cách lăn vào chỗ chết để tìm sinh lộ.

    Tô Uyển Vân nghe phu tướng nói xong, nàng định hỏi lại xem thế nào là đoạn đường cuối lăn vào chỗ chết để tìm cái sống thì Không Không Đạo Vương đã nhanh nhẹn cướp lời hỏi:
    - Vậy ấu chúa sẽ do ai bảo bọc?

    Triệu Vân liếc nhìn về ái thiếp rồi cười buồn bả nói:
    - Lần xông pha đại địch, sống chết họa phúc khó bề liệu trước, nhưng cả năm chúng ta đều phải gắng hết sức. Vậy Tô muội sẽ ôm A Đẩu vào lòng, ta đi trước mở đường, Vĩnh Thượng, Lê Trung bảo bọc hai bên tả hữu, Hứa Hùng hậu vệ đằng sau, bằng mọi giá, kể cả bỏ mạng nơi sa trường cũng phải mang A Đẩu an toàn về với Hoàng Thúc.

    Tô Uyển Vân nói:
    - Xin phu quân toàn quyền định liệu!

    Triệu Vân ngước mặt nhìn lên thở dài nói:
    - Hà, giặc mạnh như hùm beo ta cũng không sợ, chỉ có điều giờ chúng ta như lạc vào rừng chông, trong ngàn vạn điều không may mới có một tia hy vọng, dù mong manh nhưng chúng ta vẫn phải gắng sức tìm. Trận này, Tào thắng chúng ta chẳng qua cũng nhờ binh đông hơn gấp bội mà thôi, nếu không........

    Nói đến đây, Triệu Vân tựa hồ thấy rằng có nói hết câu chuyện ra cũng không thể nào khiến cho Tứ Vệ thêm yên lòng được, nên người anh hùng thở dài đột nhiên làm thinh không nói nữa.

    Vừa nói đến đây, từ xa đã nghe tiếng quân mã xôn xao, trong phút chốc, một đạo bộ binh Tào đã ràm rộ kéo đến, dẫn đầu là một tướng oai phong lẫm liệt, sử dụng một cây đao ba cạnh hai ngạnh, được gọi là Nhị Thiệt Đao.

    Triệu Vân vội quay sang nói với Tô Uyển Vân:
    - Hiền thê ở đây bảo bọc ấu chúa, Hứa Hùng ở lại bảo vệ, Lê Trung, Vĩnh Thượng theo ta.

    Triệu Vân nói vừa dứt lời thì bên tai đã nghe thấy tiếng quát tháo vọng lại. Ba người Triệu Vân, Lê Trung, Vĩnh Thượng vội nhảy lên mình ngựa xông ra, Hứa Hùng và Uyển Vân bế A Đẩu nấp vào sau bức tường đổ của ngôi miếu, hé mắt trông ra. Chỉ thấy đội binh địch hơn năm trăm đứa, cầm đao, khiên đang rầm rộ bao vây xung quanh ba thầy trò Triệu Vân.

    Người đi đầu thân hình cao lớn, râu quai nón che kín cằm, mặc áo giáp đen, mắt ốc nhồi, cằm vuông chữ điền, trông vô cùng dữ tợn, đằng sau phấp phới lá hiệu kỳ đề Đông Nhạc Tướng Quân Yến Minh. Phía bên tay phải tướng đó là một người nhỏ thó, tay trái cầm một tấm thuẫn bài, tay phải cầm đoản đao, y có tên là Phi Thiên Hồ Tinh Hoàng Mai, là phó tướng của Yến Minh.

    Triệu Vân hừ nhạt một tiếng nói:
    - Lũ các ngươi chán đời rồi, ta đang muốn đánh giết đây.

    Nói chưa hết câu, Triệu Vân bỗng quát lớn lên một tiếng thúc ngựa tung vó lao về phía đám địch nhân, giọng nói oang oang như lệnh vỡ.
    - Lũ hung quỉ đáng chết kia, ta liều mạng với các ngươi.

    Thấy chủ tướng đại triển thần oai, Vĩnh Thượng cũng không chịu đứng im thất nghiệp, cùng quát lớn, múa côn xông vào. Lôi Đao Lê Trung cũng thấy máu nóng sục sôi trong lòng, vội cho ngay tay ra sau lưng rút xoạt ra cây Lôi Hoả Đao, hét lên một tiếng rồi cũng phóng mình theo chủ tướng và đồng bạn xông lên.

    Lúc bấy giờ, đám binh Tào thấy đối phương dù oai dũng nhưng có ít người thì vô cùng mừng rỡ, cho rằng đây là cơ hội tốt để lập công, chúng vội vây lấy thầy trò Triệu Vân từ ngoài bốn năm trượng rồi từ từ khép vòng vây chặt lại, mỗi lúc càng sấn lại gần thêm. Tiếng hò hét nạt nộ vang lên một hồi, thấy ba người xốc ngựa phi tới, binh Tào rùng rùng múa tít binh khí lăn tới tấn công.

    Đối mặt với Triệu Vân chính là Yến Minh, viên cận tướng của Cuồng Sư Hứa Chử. Nguyên Hứa Chử là môn chủ Đao Môn, võ nghệ cao cường, tính tình vô cùng nóng nảy. Gặp thời loạn thế, Đao Môn của Hứa lại càng có cơ hội thu nạp thủ hạ, đệ tử, một mình một cõi, oai vọng vô cùng.

    Trong một lần kéo binh đi cướp phá, Hứa Chử đụng độ với quân Tào Tháo, trong đó có Mãnh Long Điển Vi. Chử và Vi kịch đấu hơn ba ngày đêm bất phân thắng bại, cả hai cùng phục tài nhau. Sau Tào Tháo ngoài mặt đem đại lễ mà thỉnh, lại cho quân thiên binh vạn mã bao vây doanh trại Hứa Chử, Chử không còn cách nào khác, đành phải quy phục Tào, được Tháo vô cùng tin yêu, phong cho làm Tả Phù Hộ Pháp, cùng với Điển Vi làm Hữu Bật Hộ Pháp, cả hai Mãnh Long, Cuồng Sư đều trở thành cận vệ vô cùng trung thành và uy mãnh. Khi Điển Vi tử trận, Hứa Chử lại càng trở nên có giá, là một danh tướng vô địch trong hàng ngũ quân Tào. Đầu phục Tào, Hứa Chử đem cả Đao Môn về phục vụ dưới trướng, và Yến Minh chính là Đông Điện Điện Chủ của Đao Môn xưa, giờ được phong làm Đông Nhạc Tướng Quân.

    Phó tướng cho Yến Minh là Phi Thiên Hồ Tinh Hoàng Mai, một con hồ ly tinh chính hiệu. Hoàng Mai không phải môn đồ Đao Môn, chỉ là bạn thân của Yến Minh, sau khi Yến Minh theo Hứa về với Tào Tháo, Yến Minh cũng giới thiệu bạn về cùng với mình, và Hoàng Mai trở thành phó tướng cho Yến Minh.
    ---QC---


  2. #12
    Ngày tham gia
    Oct 2008
    Bài viết
    348
    Xu
    0

    Mặc định

    PHI HỔ THƯƠNG
    Tác giả: Nguyên Tiến Quang
    ngtienquang@gmail.com

    CHƯƠNG 11: ĐẢ BẠI ĐỊCH QUÂN

    Lại nói, Lê Trung hữu thủ với cây Lôi Hoả Đao ngay khi nhập trận đã sử dụng một chiêu hoành tảo vẽ lên một đạo hoả quang chận đường tấn công của cường địch, chém gãy hàng loạt đao, thương của binh Tào, trong khi ngọn chủy thủ ở tay trái mới kiếm được nhanh nhẹn cực cùng đâm vèo sang ngực một tên địch đang nhăm nhe dùng giáo chọc vào mông ngựa Triệu Vân, lúc này đang dùng Phi Hổ Thương áp đảo Yến Minh.

    Phần Hoàng Mai khinh công khá nhất lại gặp phải Không Không Đạo Vương, một bên là con phi hồ thành tinh, khinh công bay nhảy tuyệt đỉnh, một bên là lão trộm già hoàn lương, khinh thuật cũng vào hàng đỉnh cao, hai bên đua tài khinh công, nhảy nhót lung tung khắp mình hai con ngựa, cây Thiết Côn của Vĩnh Thượng và tấm thiết bài cộng với cây đoản đao của Hoàng Mai va chạm nhau liên tục, không bên nào chịu nhường bên nào, quả kỳ phùng địch thủ.

    Phi Thiên Hồ Tinh Hoàng Mai cất giọng lạnh lùng nói:
    - Tướng kia, binh ta vây bọc bốn phương tám hướng, không mau buông khí giới bó tay chịu trói còn đợi khi nào?

    Không Không Đạo Vương Vĩnh Thượng cố đè nén mọi khích động trong lòng, lạnh lùng như băng đá nói:
    - Chúng ta là Tứ Thiết Vệ của Triệu tướng quân. Tứ vệ tướng đầu có thể rơi, máu có thể đổ nhưng không biết khuất phục.

    Mấy câu nói khẳng khái ngang tàng của Vĩnh Thượng vừa thốt ra khỏi miệng, cây Thiết Côn lại vung lên, vẽ một đường vòng cung đập mạnh vào đầu Phi Thiên Hồ Tinh Hoàng Mai.

    Hoàng Mai vội giơ tấm Bát quái thiết bài trong tay lên đỡ rồi nói:
    - Tên tặc tử không biết sống chết kia, mi có tin là chống cự nổi ta không chứ?

    Vừa nói đoản đao trong tay phải y cũng chợt đâm vèo sang nhằm ngay cổ tay phải đang cầm Thiết Côn của Vĩnh Thượng. Vĩnh Thượng rút nhanh tay về nữa thước, trường côn trong tay lập tức rạch lên một vòng sáng phạt ngang người đối phương.

    Phi Thiên Hồ Tinh Hoàng Mai nhanh nhẹn thu thuẫn bài về che chở lấy thân nhanh như giông gió, y quát lớn một tiếng dùng thuẫn bài đỡ vẹt trường côn của Vĩnh Thượng, người y mượn đà lộn vòng qua bụng ngựa lướt vút đi, cây đoản đao trong tay chếch chếch đâm ngược vào lưng Vĩnh Thượng.

    Chiêu thức Hoàng Mai thi triển là một tuyệt kỹ có tên Thiên Môn Độn, có thể lướt tránh trong màn đao kiếm lạnh người. Vĩnh Thượng giật nẩy mình, loáng cái đã thấy một làn ngân quang lóe sáng, một lưỡi đoản đao đã đâm véo tới ngay ngực. Cây trường côn trong tay vừa bị thuẫn bài gạt ngang sang bên mất đà không kịp vòng về, vả lại trường côn chủ về đánh xa, nay Hoàng Mai đã tiến đến quá gần, không có cách gì thi triển chiêu thức phòng vệ được.

    Thoáng nhìn thấy chiêu đao của Hoàng Mai, Vĩnh Thượng vội buông tay trái nắm chặt giây cương, chiến hài vội vung lên đá thẳng vào lưỡi đao nguy hiểm đang đâm tới. Tiếng sắt thép vang lên chát chúa, chiến hài mũi bọc thép của Vĩnh Thượng đá trúng chuôi đao, cây đoản đao tuột khỏi tay Hoàng Mai bắn vọt đi.

    Một chiêu thiết cước tung ra lúc nguy hiểm, vừa giải nguy lại may mắn triệt phá được vũ khí đối phương, Vĩnh Thượng vui mừng, thừa thế hữu thủ lắc động Thiết Côn, xuất chiêu Thần Long Giao Thiên quét tới ngang eo của Hoàng Mai nhanh nhẹn phi thường.

    Phi Thiên Hồ Tinh Hoàng Mai xuất chiêu sát thủ, trong lòng đã vô cùng đắc ý, cho rằng đối phương không tài nào tránh được một khi mình đã nhập nội, nào ngờ do sơ sẩy để Vĩnh Thượng dùng thiết hài đá văng đoản đao, giờ chỉ còn trơ trọi tấm thuẫn bài trong tay. Thấy chiêu côn ảo diệu, hư hư thực thực, bóng côn trùng điệp như sương mờ, Phi Thiên Hồ Tinh hốt hoảng, vội dùng thuẫn bài múa một vòng che kín chân thân, tiếng côn, tiếng thuẫn va nhau loảng choảng, đường thuẫn quả đã che được cho Hoàng Mai khỏi đòn sát thủ cuả Vĩnh Thượng, nhưng con ngựa thì không tránh được, trúng một côn của Vĩnh Thượng, đầu nát bét, chỉ kịp hý một tiếng đau đớn là ngã lăn ra chết.

    Công bằng mà nói, Phi Thiên Hồ Tinh Hoàng Mai võ nghệ có nhỉnh hơn Không Không Đạo Vương một chút, nhưng do coi thường địch thủ, lại sơ sẩy để mất đoản đao nên giờ Hoàng Mai chỉ còn cách vung thuẫn bài che kín chân thân, nhảy nhót né tránh những đường côn như vũ bão của Vĩnh Thượng. Tuyệt kỹ thủ thân của Hoàng Mai là tấm thuẫn bài, còn đoản đao hữu thủ y cũng có kỳ chiêu nhưng phải có sự yểm hộ của thuẫn bài trong tả thủ mới phát huy được hết uy lực, bây giờ đoản đao bị đánh mất, ngựa bị đập vỡ đầu, chẳng mấy chốc tấm thuẫn bài trong tay Hoàng Mai trở nên nặng nề khó bề xoay trở dưới sự tấn công như vũ bão của đối phương.

    Hốt nhiên một tiếng rú thảm vang lên, âm thanh rờn rợn cả chiến trường, Hoàng Mai rụng rời chân tay, đưa mắt nhìn quanh, chỉ thấy Đông Nhạc Tướng Quân Yến Minh chết sững trên lưng ngựa, từ trước ngực, đúng ngay tâm thất, một dòng máu đỏ tươi vọt ra thành vòi. Chốc lát, thân hình Yến Minh từ từ gục xuống, con ngựa khôn ngoan tung vó bỏ chạy, mang theo cả thân xác Yến Minh với chiến hài vẫn còn vướng vào yên ngựa.

    Phấn khởi tinh thần vì chủ tướng đã đâm chết tướng địch Vĩnh Thượng cũng trổ thần oai, hét lớn một tiếng, phi thân lên không tung đòn sát thủ. Chiêu Thiên Hoa Khán Nguyệt này gồm chín mươi tư thức, bóng côn như mưa rào từ trên không trung giáng xuống, phạm vi côn ảnh bao phủ cả thân hình Hoàng Mai. Hoàng Mai thấy bóng côn như một cái tán, chốc lát đã che kín cả tầm nhìn, trời đất như tối sầm lại thì vô cùng kinh hoảng, vội cử Thuẫn bài lên đón đỡ, đông thời chân cũng vội rùn xuống dùng thế Xúc Địa Túc Thân muốn thoát khỏi vòng kiềm toả của côn ảnh.

    Tuyệt kỹ thuẫn bài đã che được cho Hoàng Mai khỏi vỡ đầu, nhưng tuyệt kỹ Xúc Địa lại không hiệu quả, kết quả là đôi chân Hoàng Mai không tránh được côn ảnh, trúng đòn gẫy nát, Hoàng Mai đau đớn gào lên, ngã lăn ra đất. Không Không Đạo Vương một chiêu đánh gãy giò đối phương, lạnh lùng xuất chiêu thứ hai, chiêu này đơn giản, nhưng do mục tiêu nằm bất động dưới đất nên không tránh được, một tiếng bộp khô khan vang lên, Phi Thiên Hồ Tinh Hoàng Mai đầu óc vỡ tan, hồn quy địa phủ.

    Phần Lôi Đao Lê Trung, lúc này đang bị mấy chục tên địch nhất tề xông lên bao vây, người nào cũng muốn nhân dịp này lập công cho nên đều hăng hái mang hết sức lực, mang hết tuyệt nghệ ra để chiếm nước tiên, gươm, đao, phủ, kích ào ạt tiến công, nhưng Lê Trung sức mạnh như thần, cây Lôi Hoả Đao và thanh chuỷ thủ trong tay vũ lộng đâm chém thật gắt, chận đứng thế tiến ào ào như ong vỡ tổ của đám lính Tào.

    Đám binh Tào, dù là loại thiện chiến nhưng gặp phải những đại cao thủ cỡ Lê Trung, Vĩnh Thượng, nhất là gặp cả Triệu Vân ở đây thì cũng như đàn dê trước miệng cọp, chốc lát đã bị đánh tan tành. Hơn nữa, chủ tướng, phó tướng đều tử trận, chúng binh chẳng ai còn ham đánh, ai nấy hè nhau bỏ chạy cả, chốc lát, bãi chiến trường chỉ còn trơ trọi một đám xác chết chất như gò đống, máu chảy chan hoà.

  3. #13
    Ngày tham gia
    Oct 2008
    Bài viết
    348
    Xu
    0

    Mặc định

    PHI HỔ THƯƠNG
    Tác giả: Nguyên Tiến Quang
    ngtienquang@gmail.com

    CHƯƠNG 12: ĐÔNG NHẠC TƯỚNG QUÂN YẾN MINH

    Nguyên, Đông Nhạc Tướng Quân Yến Minh võ nghệ cũng vào loại khá, nhưng gặp phải Triệu Vân, là một đại cao thủ, rồng trong các loài rồng thì không đương cự nổi, chỉ vài ba hiệp đã bị đánh cho tay chân lóng ngóng, mồ hôi toát đầy sống lưng. Yến Minh thầm than khổ trong lòng, vốn tưởng trong đám loạn dân có thể kiếm chác được, hoặc chí ít cũng kiếm được vài ba cái thủ cấp tướng địch về báo công, nào ngờ đến cái miếu nhỏ này lại gặp thứ dữ, thương pháp nhanh như điện xẹt, lượn như rồng múa, chẳng biết đâu mà lần.

    Nghiến răng, Yến Minh thúc ngựa, quyết định ra sát chiêu, dù rằng hai bên mới qua lại với nhau chưa đến chục hiệp, bởi Yến Minh biết rằng nếu mình không ra tay sớm, với tài nghệ của Triệu Vân, chẳng mấy chốc mình sẽ gặp hoạ, vậy thì tiên hạ thủ vi cường là tốt nhất. Cây Nhị Thiệt Đao vung lên thành vòng cung, hoá thành bẩy bóng đao ảnh, từ trên cao chém xả xuống mặt Triệu Vân. Đây là tuyệt chiêu “Mãnh Long Thất Hiện”, một đao hoá thành bẩy bóng ảnh, trong đó chỉ có một bóng đao ảnh là thật, còn lại là ảo, đường đao cũng không đi thẳng mà ngoằn ngoèo, uốn éo như thân rồng chém tới Triệu Vân.

    Triệu Vân thấy Yến Minh xuất tuyệt chiêu khiến gió rít lên ào ào, chiêu đao xuất bẩy bóng ảnh, ở bên trong ngầm giấu cực nhiều biến hóa, bất giác trong lòng phải khen thầm, nghĩ bụng:
    - Người này võ công không tầm thường chút nào mà nội công lại cũng là tay ghê gớm.

    Nghĩ đoạn, Triệu Vân vội nghiêng người, tay trá kéo mạnh cương ngựa sang bên, con ngựa khôn ngoan tung vó, xẹt sang bên trái nhanh như điện, cùng lúc, Triệu Vân cũng ngả người, nhường cho chiêu tuyệt đao bay sát qua mặt, hơi gió đao phổ tới nghe mát cả sống mũi.

    Cùng với động tác nghiêng người né đao, Triệu Vân quát: “khen cho chiêu đao, hãy đỡ đường thương đây’, tay phải cầm cây Phi Hổ Thương cũng xuất chiêu “Mãnh Hổ Quan Nhật”, đường thương như con hổ ngửa mặt ngắm mặt trời xốc thẳng từ phía dưới lên, đích đến là eo lưng của Yến Minh.

    Yến Minh đánh một chiêu không trúng đích, mắt lại thấy trường thương của đối phương như con rắn ngóc đầu từ dưới yên ngựa mổ lên, trong lòng hoảng hốt, vội uốn cong mình bật ngửa ra sau tránh chiêu thương đâm vào chỗ hiểm. Nhưng tiếc rằng Triệu Tử Long từ lâu vang danh thiên hạ vì tài đánh thương, chiêu thương pháp đâu chỉ có thế. Mũi thương đi đến eo Yến Minh chỉ là hư chiêu, thực chiêu lại là khác, thân hình Triệu Vân lúc này đang ngả người bỗng đứng phắt dậy, Phi Hổ Ngân Thương trong tay chuyển thành thế đâm từ trên xuống, chiêu “Bạch Hổ Hạ Sơn” này gồm ba chiêu mười tám thức, mũi thương tua tủa như bàn chông úp ngược xuống thân hình đang nằm ngửa của Yến Minh.

    Đông Nhạc Tướng Quân của Tào Tháo mắt mũi tối sầm trước cái chết đến gần kề, chỉ vừa kịp rú lên một tiếng kêu lìa đời thì cổ họng đã uất nghẹn, Phi Hổ Thương với mũi nhọn sắc bén đã đâm thủng áo giáp ngực, xuyên qua Hộ Tâm Kính đâm thủng tim Yến Minh. Thân hình Yến Minh theo đà phản xạ vẫn ngồi thẳng lên trên lưng ngựa, nhưng hồn đã lìa trần theo dòng máu nóng phun ra từ tâm thất. Vậy là thêm một đại tướng của Tào Tháo trong trận này gặp Triệu Vân đã quy tiên.

    Đánh tan quân Tào, lúc này Hứa Hùng và Tô Uyển Vân mới từ sau bức tường đổ đi ra. A Đẩu vẫn nằm trong tay Uyển Vân, ngủ ngon lành. Triệu Vân quay sang người thiếp yêu, sẽ sàng hỏi:
    - A Đẩu không giật mình chứ?

    Tô Uyển Vân gật nhẹ:
    - Thiếp đã điểm Thuỵ huyệt của ấu chúa, A Đẩu sẽ ngủ cho đến khi về gặp lại Lưu Hoàng Thúc.

    Triệu Vân cũng có phần yên tâm hơn. Vạch cái bọc ngó A Đẩu đang thiêm thiếp ngủ say, Triệu Vân gạt ngang sợi tóc vương trên mặt đứa bé rồi nói:
    - Ừ, thế cũng được, nàng nên buộc giáp vào người A Đẩu để abỏ vệ.

    Vĩnh Thượng ngay lập tức thi hành, giáp thì có sẵn, mà tiện lợi nhất là tấm áo giáp của Yến Minh, chỉ một vũng nước nhỏ là gột sạch máu me, Vĩnh Thượng khua một vòng, những giọt nước đang bám vào áo giáp đều văng ra hết, Tô Uyển Vân vội đón lấy, buộc A Đẩu vào ngang ngực, sau đó cả đội vội vã lên ngựa, nhằm hướng cầu Trường Bản thẳng tiến.

    Năm người mang theo ấu chúa, tức tốc phi hành, vó ngựa căng hết mức, tai chỉ nghe tiếng gió rít vù vù hai bên. Bầu trời mây đen che phủ một màu xám ngoét, khung cảnh cũng xám ngoét, khắp đất trời như ngủ vùi dưới sắc mà chiến địa, nhà, cửa hai bên đường sập xệ, đổ nát, tung toé, phủ đầy bùn đất và máu khô đông đặc, giống như một bức tranh thủy mặc lợt lạt, mọi màu sắc đều dung nhập vào một mảng xám xịt mông lung. Thỉnh thoảng đó đây, một vài mái nhà bốc cháy ngùn ngụt, càng tô thêm vẻ điêu tàn, thảm khốc của chiến địa. Cũng không biết từ đâu truyền đến tiếng chó sủa bâng quơ, dưới khung trời xám đôi chỗ bốc lên những luồng khói đậm đặc như cái vòi ma quái chọc thẳng lên bầu trời.

    Người vẫn kêu la, xác chết vẫn nằm la liệt khắp nơi, đoàn người Triệu Vân, dù trong lòng xót thương lê thứ nhưng cũng đành nhắm mắt thúc ngựa phi qua.

  4. #14
    Ngày tham gia
    Oct 2008
    Bài viết
    348
    Xu
    0

    Mặc định

    PHI HỔ THƯƠNG
    Tác giả: Nguyên Tiến Quang
    ngtienquang@gmail.com

    CHƯƠNG 13: PHẢN ĐỒ THIẾU LÂM TỰ

    Đoàn người tiến chưa được bao xa, phía trước đã thấy tinh kỳ phấp phới, một đội binh mã đông đảo kéo ra, dẫn đầu là một viên chiến tướng phất phơ cờ hiệu “Phàn Thành Thứ Sử Khoái Việt”. Khoái Việt râu xồm, tóc quăn, mắt xanh như mắt mèo, tay phải dài ba thước, tay trái dài ba thước hai tấc, năm ngón tay không ngừng co duỗi vận động, đốt xương “cách cách” vang động, nghe như tiếng pháo nổ.

    Khoái Việt nguyên trước là thủ hạ của Lưu Biểu đất Kinh Châu, trong trận Tào Tháo đem đại binh đến Kinh Châu, Lưu Tôn, con của Lưu Biểu buộc phải hàng Tào, Khoái Việt cũng theo đó mà về dưới trướng Tào Tháo. Tên chữ Khoái Việt là Di Độ, hiệu danh là Thiên Thủ Di Lặc, bởi trước khi làm chiến tướng, Khoái Việt là đệ tử của chùa Thiếu Lâm. Trong đợt Thiếu Lâm Tự tuyển chọn nhân tài kế thừa chức thủ toạ La Hán Đường, Khoái Việt lúc này đang mang pháp danh là Tuệ Phạm đã dùng võ công siêu việt chiến thắng tất cả các đối thủ, chỉ chờ được Phương trượng chính thức bổ nhiệm.

    Nào ngờ, trước giây phút huy hoàng đó, một đệ tử của Bách Chiến Đao Vương Công Tôn Hữu Thắng, sư phụ của Quan Vân Trường, đã vâng lệnh thầy lên chùa tố cáo việc Tuệ Phạm Khoái Việt đã từng vi phạm môn quy, lén quan hệ bất chính với một lương nữ dưới núi, sau khi lương nữ này cấn thai, Khoái Việt vì muốn bảo toàn tung tích nên đã sai thủ hạ hạ sát thiếu nữ, vứt xác ra bìa rừng. Bách Chiến Đao Vương lúc đó tình cờ đi qua, thấy cô gái còn thoi thóp nên tận tình cứu chữa, hôm đó liền cho đệ tử đến báo tin cho chùa Thiếu Lâm.

    Một cuộc điều tra nghiêm túc được Phương Trượng đại sư chính thức mở ra, và vô cùng đơn giản, cô gái vẫn còn sống, tên tiểu tăng trực tiếp thi hành lệnh của Khoái Việt cũng không đủ gan để ngậm miệng nên đã phun ra hết. Nhân chứng, vật chứng đầy đủ, Tuệ Phạm Khoái Việt bị tống cổ ra khỏi chùa Thiếu Lâm, từ đó, Khoái Việt trở lại tục danh, để tóc, ăn mặn, lấy danh hiệu là Thiên Thủ Di Lặc vì có tài phóng ám khí bách phát bách trúng. Vũ khí của Thiên Thủ Di Lặc là tám mươi cây Liễu Diệp Đao, lưỡi mỏng như lá lúa, sắc bén phi thường. Ngoài ra, Khoái Việt còn thiện sử dụng một cây Trích Tinh Nhuyễn Tiên.

    Hai phó tướng của Khoái Việt là Phó Tốn và Vương Sán, vốn là hai huynh đệ cùng học một thầy, xông pha giang hồ với danh hiệu Kinh Châu Song Sát, tính tình tàn độc, chỉ thích lấy việc giết người đốt nhà làm niềm vui. Người ta còn đồn rằng anh em Phó Tốn, Vương Sán có một sở thích bệnh hoạn, đó là ăn thịt kẻ thù, nhất là ăn tim đối thủ, nhưng vì anh em chúng quá kín đáo nên đó chỉ là lời đồn thổi, chưa ai nắm được chứng cứ. Chính vì vậy, ngoài cái tên Kinh Châu Song Sát ra, anh em chúng còn có danh hiệu Ngật Nhân Ma Vương, tất nhiên mọi người chỉ dám gọi sau lưng bọn chúng mà thôi.

    Vương Sán thân hình rắn chắc như cây cột thép, hai bên trán gân xanh vồng lên, giống như có một con rắn lục nhỏ uốn mình bò trong da, nhìn vừa quỷ bí vừa khủng bố. Phó Tốn mặt dài như lưỡi cầy, khuôn mặt tái nhợt, tuy hiển lộ bộ dạng đầu hươu mắt chuột, nhưng nhìn kỹ cũng không khó coi lắm. Hai huynh đệ Ngật Nhân Ma Vương chỉ giống nhau ở đôi mắt vằn đỏ, lúc nào nhìn người khác cũng như muốn ăn tươi nuốt sống người ta.

    Dàn binh chặn đường, Khoái Việt vung mạnh cây Phương Tiện Sản thị oai, tiếng gió rít nghe vù vù, Khoái Việt quát:
    - Tướng kia, mau báo danh rồi chịu chết.

    Triệu Vân hoành ngang cây thương, tiến lên phía trước đáp:
    - Thường Sơn Triệu Tử Long là ta. Còn ngươi có phải tên thầy chùa tu không hết kiếp Thiên Thủ Di Lặc Khoái Việt đó không?

    Khoái Việt nhìn đám người lưa thưa của Triệu Vân, khinh bỉ cười lạnh:
    - Hắc hắc.. đã biết đến đại danh Khoái Việt ta mà còn cứng đầu cứng cổ không chịu hàng, các ngươi chán sống rồi à?


    Thực ra, Khoái Việt không hề biết đến danh tiếng của Triệu Vân nên mới to mồm khoác lác thế, nếu Khoái Việt chịu khó nhìn ra phía sau thì sẽ thấy anh em Vương Sán, Phó Tốn đang mắt la mày lét nhìn nhau, khuôn mặt nhăn nhó như khỉ ăn ớt. Từ khi xuống núi, Khoái Việt chỉ có khoảng hơn một năm lăn lộn giang hồ, sau đó đã theo Lưu Biểu về trấn thủ tại Kinh Châu, không biết mấy đến tình hình giang hồ. Anh em Ngật Nhân Ma Vương lăn lộn giang hồ đã lâu, danh tiếng Thường Sơn Triệu Tử Long vang rền khắp chốn, nay tình cờ gặp ở đây, dù phía đối phương chỉ có năm người nhưng muốn ăn được cũng không phải dễ, e rằng đám binh mã này ít nhất cũng tiêu vong hai phần ba.

    Trong võ lâm Trung Nguyên thời loạn thế này, người ta vẫn thường nói đến Tam Đao, Nhị Kích, Nhị Thương, đó là những tuyệt đại cao thủ, hùng cứ bốn phương, trong đó Tam Đao gồm có: Bách Chiến Đao Vương, Huyền Đao Tôn Giả và Phi Thiên Đao Đế. Nhị Kích gồm có Phụng Tiên Lã Bố với cây Phương Thiên Hoạ Kích võ nghệ tuyệt luân và người thứ hai là Điển Vi với cây Tiểu Thiên Song Kích đã từng làm mọi đối thủ của Tào Tháo phải kinh sợ.

    Nhị Thương gồm có Thương Vương sư phụ của Triệu Vân, người thứ hai là Kim Ưng Thương Cố Thiên Hoạch. Trong bẩy người đó, Nhị Kích là người trẻ hơn cả, còn năm người còn lại đều là những bậc tiền bối tuổi đã gần trăm, tất cả đều đã lui vào ẩn cư hoặc quy tiên từ lâu, nhưng những đệ tử đắc ý của họ thì cũng rất sớm nổi danh giang hồ cũng như trong quân ngũ các chư hầu. Đệ tử của Bách Chiến Đao Vương là Quan Vân Trường với cây Thanh Long Đao, nổi danh đại chiến tướng với chiến công chém hai đại tướng của Viên Thiệu là Nhan Lương và Văn Sú, sau đó một ngựa một đao phò tá hai phu nhân vuợt năm ải chém sáu tướng Tào, bảo hộ nhị phu nhân vượt qua bao đường đất về với Lưu Bị.

    Đệ tử của Huyền Đao Tôn Giả cũng nổi tiếng không kém, chính là Cuồng Sư Hứa Chử, kẻ kế thừa y bát rất xứng đáng của Đao Môn, nổi tiếng là một đại tướng Tả Võ Vương dưới trướng của Tào Tháo. Đệ tử Phi Thiên Đao Đế có phần mờ nhạt hơn, đó là Bàng Đức, là Nguỵ Diên. Tuy vậy, sư đệ của Phi Thiên Đao Đế lại là một đại tướng dưới trướng Thái Thú Trường Sa Hàn Huyền, đại danh Hoàng Hán Thăng Hoàng Trung từ lâu oai trấn bốn phương, Hàn Huyền giữ vững được Trường Sa phần lớn là nhờ oai vọng của Hoàng Trung, các thái thú, giặc giã quanh vùng không ai dám xâm phạm.

  5. #15
    Ngày tham gia
    Oct 2008
    Bài viết
    348
    Xu
    0

    Mặc định

    PHI HỔ THƯƠNG
    Tác giả: Nguyên Tiến Quang
    ngtienquang@gmail.com

    CHƯƠNG 14: DIỆT KHOÁI VIỆT

    Lúc này, đối diện với năm con mồi, tuy lẻ loi nhưng lại cứng đầu cứng cổ, Thiên Thủ Di Lặc Khoái Việt mắt trợn ngược, râu vểnh ra, quát lên như sấm:
    - Bay đâu, mau trói mấy đứa cứng đầu cứng cổ này lại cho ta.

    Quân lính được lệnh, trào lên như ong vỡ tổ, đao kiếm tuốt trần, sáng loáng, hò hét xông lên. Phía năm người Triệu Vân, lập tức Chấp Kỳ Lang Tán Hồn Kỳ Hứa Hùng và Không Không Đạo Vương Vĩnh Thượng, hai người sử dụng vũ khí dài lập tức thúc ngựa sang hai bên tả hữu, đại kỳ mở rộng, kình phong phất ra, đám binh lính sứt đầu mẻ trán ngã lăn lông lốc hàng chục tên. Vĩnh Thượng cũng không kém cạnh, một đường Thiên Côn Tảo Ma quét ra, đám binh lính chịu không nổi sức mạnh khí công phổ vào đường côn, gươm đao gẫy gục, kẻ không may thì vỡ đầu nát óc, kẻ may mắn thì cũng gãy tay, toạc hổ khấu, dòng thác người vừa nhác xông lên đã vội thụt lùi trước sức mạnh của hai viên chiến tướng.

    Không để thuộc hạ phải chiến đấu một mình, Triệu Vân khẽ đưa mắt cho Lôi Đao Lê Trung rồi hất hàm về phía Tô Uyển Vân. Lê Trung hiểu ngay nhiệm vụ của mình, Lôi Hoả Đao thủ ở tay phải, chuỷ thủ nắm chặt ở tay trái, sẵn sàng hợp lực bảo vệ ấu chúa. Phân phó xong công việc, Triệu Vân quát lớn một tiếng, Bạch Mã vươn người, bốn vó như sinh mây sải bước lao vụt về phía Khoái Việt.

    Lúc này, Kinh Châu Song Sát Phó Tốn, Vương Sán đã buộc phải nhập trận, đối địch với Vĩnh Thượng và Hứa Hùng. Phần Khoái Việt, thấy Triệu Vân xông đến, vội lập tức vung cây Trích Tinh Nhuyễn Tiên lên, sẵn sàng đối trận. Vậy là vô hình chung, trận chiến chia làm ba cặp, Triệu Vân – Khoái Việt, Vĩnh Thượng – Phó Tốn và Hứa Hùng – Vương Sán.

    Thấy đối phương oai dũng vô song, con ngựa lại có vẻ là loài tuấn mã, Khoái Việt cũng tự biết đây không phải là đối thủ dễ ăn. Trích Tinh Nhuyễn Tiên trong tay lập tức xuất thủ để chiếm tiên cơ. Sợi Nhuyễn Tiên đan bằng tơ thép dài đúng trượng rưỡi, đang quấn quanh bụng lập tức bung ra, vươn mũi mổ vào mặt Triệu Vân đang đà phi đến. Đồng thời từ tay tả của hắn, tuyệt kỹ Thiên Thủ Liên Hoa liên tiếp bắn ra những cây tiểu đao sắc bén, nhằm vào các yếu huyệt của Triệu Vân bắn tới.

    Cây Nhuyễn Tiên của Khoái Việt tuy nhỏ bằng ngón tay nhưng rất bền chắc, được dệt nên từ hàng vạn sợi tơ thép, so với bảo đao hay báu kiếm e là vẫn có phần lợi hại hơn. Đầu roi có mũi nhọn bằng tinh cương biển sâu, tẩm kỳ độc, ai trúng phải, dù chỉ xước da thì cũng đủ cầm chắc vé xuống Âm Phủ diện kiến Diêm Vương. Tiên pháp của Khoái Việt lợi hại phi thường, lại thêm loại ám khí Liễu Diệp Đao bách phát bách trúng, Khoái Việt là kẻ bất bại từ trước đến nay. Với cây Nhuyễn Tiên này và số phi đao hiểm hóc, không biết bao nhiêu anh hùng hảo hán đã bỏ mạng dưới tay Khoái Việt, chính vì thế hắn nổi danh Thiên Thủ Di Lặc. Nhưng hôm nay, gặp phải Triệu Vân, Khoái Việt coi như đã gặp khắc tinh.

    Triệu Vân quả không hổ danh cao đồ kiệt xuất của Thương Vương, võ nghệ tuyệt luân, cây Phi Hổ Ngân Thương ung dung múa như hoa trôi nước chảy đánh bạt từng đợt tấn công như bão táp của Khoái Việt và những mũi Liễu Diệp Đao sắc bén. Luồng thương ảnh quanh người Triệu Vân kín đáo, liền lạc, khiến những vũ khí của Khoái Việt không sao xuyên qua được. Thỉnh thoảng, mũi thương của Triệu Vân lại loé lên, thập thò nhập nội, và Khoái Việt lại hốt hoảng phải thu ngắn roi để chống đỡ.

    Mũi roi sắt chạm vào bóng thương ảnh liên tục, tạo ra những tiếng choang choảng chát tai. Vài mươi hiệp trôi qua, do đường thương Triệu Vân quá hay, Khoái Việt bắt đầu thở hồng hộc, mồ hôi tuôn ướt áo. Hắn căm tức gầm vang, thúc mạnh vào hông ngựa, lướt đến, xuất chiêu sát thủ. Cây Trích Tinh Nhuyễn Tiên được phổ đầy chân khí, vươn thẳng tựa trường thương, mũi Nhuyễn Tiên ngóc lên như đầu linh xà, mổ vào mặt và ngực của Triệu Vân. Đồng thời cùng lúc, tay tả Khoái Việt ném ra mười cây Liễu Diệp Phi Đao cuối cùng, đích đến là bụng, đùi Triệu Vân và mắt, ức Bạch Mã. Phóng ra chiêu này, Khoái Việt đã thầm tính toán rằng nếu giả sử không hại được Triệu Vân thì cũng ít nhất là hạ được Bạch Mã. Một chiến tướng như Triệu Vân mà không có ngựa cưỡi thì khác gì bị cắt chân, cơ hội chiến thắng sẽ tăng lên cho Khoái Việt.

    Nhưng Khoái Việt đã tính nhầm, Bạch Mã không phải là con ngựa chiến bình thưòng, nó là loài thiên mã quý hiếm, có nguồn gốc từ vùng Khương Nhung, linh tính vô cùng cao. Thấy đòn sát thủ phi đao nhằm vào mình, Bạch Mã vội nghiêng người phi sang bên trái tránh được phạm vi sát thương của phi đao. Phần chủ nhân của Bạch Mã, Triệu Vân lúc này đã rời lưng Bạch Mã, đột ngột nhảy bốc thẳng lên không trung tựa chiếc pháo thăng thiên, thương ảnh loang loáng quanh người, từ trên cao chúi đầu xuống xuất chiêu “Vạn Tinh Hạ Thế”, bóng thương giăng mắc đầy trời, tua tủa như bàn chông úp ngược, tưởng như Triệu Vân cầm một lúc đến hàng trăm cây trường thương đang đâm xuống. Từ trên cao, bàn chông úp ngược của Triệu Vân lao thẳng xuống đầu chẳng khác muôn vì sao lạc.

    Thiên Thủ Di Đà tay không còn phi đao, cây Trích Tinh Nhuyễn Tiên thì vừa hết đà đâm ra, không kịp thu về, mắt thấy đối phương dùng đến tuyệt chiêu sát thủ, dù hoảng sợ nhưng không có đường tránh né, đành xuôi tay nhắm mắt chờ chết. Luồng thương ảnh vừa úp chụp lên thân hình Khoái Việt thì chợt tan biến và hơi thép lạnh lẽo tỏa vào cần cổ họ Khoái, một dòng máu nóng hổi từ đó vọt ra thành vòi, Khoái Việt không kịp kêu một tiếng, ngã ngửa trên lưng ngựa tử trận, cây Trích Tinh Nhuyễn Tiên rời khỏi tay, rơi xuống đất.

    ---QC---


Trang 3 của 11 Đầu tiênĐầu tiên 12345 ... CuốiCuối

Thông tin về chủ đề này

Users Browsing this Thread

Có 3 người đang xem chủ đề. (0 thành viên và 3 khách)

DMCA.com Protection Status