TTV Translate - Ứng dụng convert truyện trên mobile
Hướng dẫn đăng truyện trên website mới
Đăng ký convert hoặc Thông báo ngừng
Trang 3 của 4 Đầu tiênĐầu tiên 1234 CuốiCuối
Kết quả 11 đến 15 của 17

Chủ đề: Truyện ngắn Thanh Trắc Nguyễn Văn

  1. #11
    Ngày tham gia
    Jul 2016
    Bài viết
    381
    Xu
    99

    Mặc định


    Tệ nạn giắt tiền lên mái chùa để cầu may



    LỄ HỘI ĐẦU XUÂN VÀ NHỮNG HẠT SẠN (tt)

    Thánh Gióng hay Phù Đổng Thiên Vương là một trong bốn vị thánh bất tử (Tứ bất tử) của Việt Nam. Thánh Gióng tượng trưng cho tinh thần bất khuất, chống giặc ngoại xâm của dân tộc. Hội Gióng mỗi năm thường được tổ chức ở đền Sóc (xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn, Hà Nội). Trong hội Gióng có nghi lễ dâng hoa tre lên đền Thượng của thôn Vệ Linh (xã Phù Linh) được tổ chức đầu tiên. Hoa tre được làm bằng những thanh tre dài khoảng 50 cm, đường kính khoảng 1 cm, đầu tre tuốt bông và nhuộm màu tượng trưng cho roi ngựa của Thánh Gióng. Sau khi dâng lên đền Thượng xong những hoa tre sẽ được rước xuống đền Hạ rồi phát cho người dự hội để cầu may. Tuy gọi là “phát” nhưng thật ra là “tung” ra giữa sân đền cho hàng nghìn người đang đợi sẵn xung quanh sân xông vào cướp giật để mong có được sự may mắn trong năm. Theo nhiều người đây là cảnh quen thuộc của hội Gióng hàng năm, người đi lễ gọi là “cướp lộc”! Cảnh tượng vẫn thường thấy trong khi xảy ra “cướp lộc” là hoàn toàn bát nháo. Một đám rất đông người đầu tóc rối bù, áo quần xốc xếch tranh giành hỗn độn, la hét ầm ỷ, giẫm đạp lên nhau khiến cho nét đẹp văn hóa của hội Gióng hầu như bị tổn hại rất nhiều… Tôi không hiểu sao cho đến bây giờ vẫn còn có nhiều người cạn nghĩ đến như vậy. “Lộc” phải dùng “bạo lực”, “mạnh được yếu thua” kiểu ăn cướp để có được, xin hỏi có còn xứng đáng là lộc của thánh ban cho hay không?

    Chùa Hương hay Hương Sơn là cả một quần thể văn hóa - tôn giáo Việt Nam, thuộc xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, Hà Nội. Chùa Hương là miền đất Phật, là nơi Bồ Tát Quan Thế Âm tu hành. Hương Sơn ngoài các chùa thờ Phật, còn có nhiều đền thờ các thần thánh khác như bà chúa Thượng Ngàn (đền Cửa Vòng), thần Hổ (đền Trình)… Sáng ngày 2 tháng 2 (mùng 6 Tết) năm nay, hội chùa Hương đã chính thức khai hội và cũng như những năm trước lại tái diễn cảnh khách thập phương leo tường, giẫm đạp cây cỏ xung quanh chùa - mặc dù đã có lực lượng bảo vệ kiên quyết ngăn cản - để tìm mọi cách lọt được vào trong chùa. Trước đó một ngày (ngày 1 tháng 2), chỉ vì chen lấn khi đi chùa Hương bà cụ Phạm Thị L. (ở phường Phúc La, quận Hà Đông) đã vô tình giẫm lên chân một cô gái trẻ. Thế là nhóm thanh niên đó gồm hai cô gái và một chàng trai đã lao vào xô xát với bà cụ khiến bà cụ bị ngất phải khiêng đi cấp cứu. Công an huyện Mỹ Đức, Hà Nội đã phải vào cuộc và xử phạt hành chính nhóm thanh niên nói trên. Than ôi, đến đất Phật để một lòng hướng Phật mà tâm vẫn còn mang nặng Tham – Sân – Si như thế thử hỏi Phật, Trời nào chứng giám cho?

    Để vào được chùa Hương, nếu đi theo đường thủy, khách phải đi thuyền từ bến Đục trên dòng Suối Yến khoảng 4km. Đi trên thuyền (chèo tay) cũng mất khoảng một tiếng, khá lâu và quãng đường sông cũng khá dài. Rảnh rỗi sinh nông nổi, nhiều nam thanh nữ tú khi ngồi trên thuyền đã rủ nhau mở sòng bài sát phạt cho mau qua thời gian. Tuy có nhóm bạn chỉ là đánh chơi cho vui, nhưng đến viếng đất Phật mà đem một trong “tứ đổ tường” ra để giải trí thì quả thật là “cạn lời”! Suối Yến Vĩ (tên khác của suối Yến) theo tôi là nước khá sâu, nhưng hầu hết các thuyền chở kín người (ngày 1 và ngày 2 tháng 2) đều không có áo phao phát cho khách. Nhiều khách rất lo sợ nhưng vẫn “uống thuốc liều” lên thuyền và thuyền vẫn xuất bến. Theo tin được biết năm nay những chiếc đò chở khách tham quan ở chùa Hương phải trang bị hệ thống áo phao, vật nổi mới được chở khách. Đến ngày 3 tháng 2, tình hình phát áo phao cho khách đã có phần khá hơn, đó cũng là nhờ sự kiểm tra quyết liệt của chính quyền địa phương.

    Lễ hội đầu Xuân là nét đẹp văn hóa của người Việt Nam. Điều này không một ai có thể phủ nhận được. Đề cho những lễ hội đất nước ngày càng có ý nghĩa hơn, rất mong mỗi người trong chúng ta nên bớt cái tôi ích kỷ để cùng những người khác xây dựng một nếp sống cộng đồng văn hóa Việt: biết xếp hàng, biết nhường nhịn, biết tôn trọng phụ nữ, biết kính trọng người lớn tuổi, biết thương yêu trẻ em, biết tuân theo những quy định của nơi chúng ta sẽ đến, đừng tự biến mình thành những người Việt xấu xí (những điều này ai cũng biết nhưng lại không muốn thực hiện!). Ban tổ chức các lễ hội và chính quyền địa phương cũng cần nên phối hợp và điều nghiên những phương án sao cho những lễ hội của quê hương ngày càng
    tạo thêm được nét hấp dẫn và sự yêu mến của các du khách trong và ngoài nước.

    2017

    Thanh Trắc Nguyễn Văn





    Thuyền đưa khách đi chùa không phát áo phao

    Ghi chú: ảnh minh họa sưu tầm từ internet
    ---QC---


  2. #12
    Ngày tham gia
    Jul 2016
    Bài viết
    381
    Xu
    99

    Mặc định




  3. #13
    Ngày tham gia
    Jul 2016
    Bài viết
    381
    Xu
    99

    Mặc định

    CÔ GIÁO NGỌC GIANG VÀ MÓN XÔI TRẠNG NGUYÊN

    Cứ đến tháng 5, cô Nguyễn Thị Ngọc Giang, giáo viên dạy môn địa lý Trường THPT Võ Thị Sáu (Q.Bình Thạnh, TP.HCM), lại làm vài đĩa xôi đem vào lớp đãi học sinh của mình.

    Là giáo viên dạy môn địa nhưng cô Ngọc Giang rất thích nấu ăn, những món ăn cô làm vừa được trang trí rất khéo vừa rất ngon miệng, không kém gì những đầu bếp thực thụ ở các nhà hàng. Người viết là một trong những người đã may mắn được thưởng thức những “tuyệt phẩm ẩm thực” của cô. Chỉ là những món ăn dân dã, nguyên liệu thực phẩm rất dễ kiếm nhưng nói chung đều rất tuyệt vời!

    “Đậu”, “đỗ” và sự tự tin

    Món ăn cô đãi học trò vừa mang tính chúc phúc cho các em sẽ vượt qua được kỳ thi tốt nghiệp lớp 12 đầy căng thẳng sắp tới, vừa giúp tình cô trò thêm đậm đà, vừa lưu lại một kỷ niệm khó quên cho các học sinh của cô sau ba năm gắn bó học tập đầy thân ái dưới một mái trường chung.

    Món xôi được cô đặt một cái tên khá ấn tượng, đó cũng là kỳ vọng của cô đối với các học trò cô yêu thương: xôi Trạng Nguyên. Nguyên liệu chính của món xôi Trạng Nguyên là đậu xanh được bóc vỏ, cho vào ngâm nước khoảng năm tiếng. Miền Nam gọi là “đậu”, còn miền Bắc gọi là “đỗ”.

    Nhưng dù “đậu” hay “đỗ”, cái tên cũng vẫn hướng đến một ý nghĩa rất dễ thương là khi ăn món xôi này, các em sẽ có thêm tự tin, thêm may mắn để có thể đạt được kết quả tốt nhất trong thi cử. Ngoài đậu xanh, cô Ngọc Giang cho biết cần phải có thêm gạo nếp cái hoa vàng, nước cốt dừa để pha chế cùng với một ít muối và đường để làm xôi.

    Xôi đã nấu xong, bày ra đĩa rồi nhưng vẫn chưa đủ. Theo cô Ngọc Giang, có những món ăn ngon nếu biết khéo léo bày biện và trang trí sẽ tạo cho người ăn có thêm nhiều trải nghiệm thú vị về ẩm thực. Cô rất mong muốn khi thưởng thức món xôi, các học trò của cô sẽ ít nhiều nhớ về cội nguồn của dân tộc.

    Món ăn quý

    Trong xôi có nếp, nếp chính là “hạt ngọc trời” mà trong truyện cổ tích Bánh chưng bánh giầy thời vua Hùng, một vị thần đã mách cho hoàng tử Lang Liêu làm nên món ăn truyền thống nổi tiếng bánh giầy (tròn tượng hình trời), bánh chưng (vuông tượng hình đất) của người Việt cổ.

    Với đôi bàn tay tài hoa của mình, một củ su hào dùng làm đầu rùa, chả lụa và lạp xưởng dùng làm bốn chân và mai rùa, cô Ngọc Giang đã tạo hình đĩa xôi thành một chú rùa rất dễ thương. Tại sao lại là một chú rùa? Cô giải thích rùa là một trong tứ linh “long - lân - quy - phụng” của văn hóa dân gian. Rùa (quy) tượng trưng cho sức khỏe, tuổi thọ. Rùa còn tượng trưng cho sự nhẫn nại, chăm chỉ trong học tập của con người. Rùa cũng là linh vật tôn vinh các bậc tri thức nho học thời phong kiến.

    Ở Văn Miếu Quốc Tử Giám (Hà Nội) có 82 tấm bia đá tiến sĩ, ở Văn Miếu Huế do chiến tranh nhiều năm tàn phá vẫn còn lại 32 tấm bia tiến sĩ làm bằng đá cẩm thạch. Và dưới những tấm bia đá mà người xưa tôn vinh truyền thống coi trọng người tài, coi trọng sự khuyến học của ông cha ta thời phong kiến là những chú rùa đá cần mẫn không quản ngày đêm, dãi dầu mưa nắng “đội” bia đã hàng mấy trăm năm.

    Trong truyền thuyết, thần Kim Quy (thần Rùa Vàng) luôn là một vị thần hộ quốc, luôn gắn bó với dân tộc Việt của chúng ta. Thời vua An Dương Vương, thần Kim Quy đã giúp vua dựng nước và đặc biệt giúp vua xây dựng thành Cổ Loa (thành Ốc) vừa độc đáo vừa kiên cố. Thần cũng giúp vua chế tạo nỏ thần có thể bắn ra một phát với hàng trăm mũi tên đồng khiến quân cướp nước phải run sợ.

    Khi vua An Dương Vương bại trận mất nước, thần Kim Quy lại hiện lên cảnh tỉnh nhà vua cũng như nhắn nhủ người đời sau với câu nói nổi tiếng: “Giặc ở sau lưng nhà vua đó”.

    Và hơn một ngàn năm sau, thần Kim Quy cũng đã vâng lệnh Lạc Long Quân dâng gươm thần Thuận Thiên cho vua Lê Lợi, giúp ông đánh đuổi giặc Minh ngoại xâm ra khỏi bờ cõi, chấm dứt một thời kỳ đen tối của nước Đại Việt...

    Được thưởng thức một đĩa xôi đậm đà hương vị dân tộc, lại được biết thêm những triết lý sâu sắc mà người nấu xôi đã gửi gắm trong món ăn thật là thú vị. Cô Ngọc Giang đã tặng cho học trò một món ăn rất quý, một món ăn đầy đủ cả ý nghĩa vật chất lẫn tinh thần. Nhiều học sinh cũ thành đạt về thăm lại trường, mỗi khi nhắc đến cô Ngọc Giang lại nhắc đến món xôi Trạng Nguyên mà họ đã được ít nhất một lần nếm qua ngày xưa.

    Năm nay khi ngày thi Tốt nghiệp đã gần kề, ngoài việc ôn tập cho học sinh, cô Ngọc Giang có lẽ lại đang chuẩn bị tất bật để nấu lại món xôi mà cô đã tốn rất nhiều tâm huyết: món xôi Trạng Nguyên!

    2017
    (Báo Tuổi Trẻ ngày 10.5.2017)

    Thanh Trắc Nguyễn Văn

  4. #14
    Ngày tham gia
    Jul 2016
    Bài viết
    381
    Xu
    99

    Mặc định




  5. #15
    Ngày tham gia
    Jul 2016
    Bài viết
    381
    Xu
    99

    Mặc định

    Kính mời các bạn thơ đọc Truyện Kiếm hiệp lịch sử Việt Nam "Nữ thần Dê Trắng" của Thanh Trắc Nguyễn Văn được đăng nhiều kỳ trên Tạp chí Văn Nghệ Hàm Luông số 60 năm 2017 (Phần 1). Đây là tác phẩm đã được Thanh Trắc Nguyễn Văn tâm đắc và ấp ủ từ lâu với ước mong tôn vinh các anh hùng dân tộc Việt Nam. Nước ta ngoài các đại anh hùng dân tộc như Lý Thương Kiệt, Trần Quốc Tuấn, Lê Lợi, Nguyễn Huệ vẫn còn có rất nhiều anh hùng dân tộc khác tài năng không kém các bạn ạ.

    Thanh Trắc Nguyễn Văn cũng đang chuẩn bị Tết này sẽ đi Hoa Lư (Ninh Bình) để tìm cảm hứng và tư liệu viết truyện kiếm hiệp thứ 2 về anh hùng "Bình Chiêm Phá Tống" Thập đạo tướng quân Lê Hoàn (sau khi lên ngôi ông lấy hiệu là Thiên Phúc Hoàng Đế, rất tiếc do sai lầm nhiều sử gia vẫn gọi ông là Lê Đại Hành - tên vua sau khi chết không được chôn vào lăng tẩm)!

    Các bạn muốn xem hết truyện "Nữ thần Dê Trắng" có thể vào Blog xem trước. Rất mong được các bạn ủng hộ.

    -----------------------------------------------

    NỮ THẦN DÊ TRẮNG (Phần 1)

    I

    Một chiều thu Ất Mùi (năm 1415), đất nước ta khi ấy vẫn còn bị triều đình nhà Minh đánh chiếm và cai trị rất tàn ác. Trên con đường cái quan đi qua một khu rừng vắng cách thành Đông Quan về phía nam khoảng hai mươi dặm, có một chàng trai dáng vẻ lam lũ gánh đôi thùng dầu đang đi tìm khách mua. Quần áo chàng nhăn nhúm, còn chiếc nón lá chàng đội trên đầu che mưa nắng cũng méo mó và bẹp dúm trông rất thảm hại.

    Bỗng từ xa có tiếng hò hét của một đám người đang đuổi theo một chiếc xe ngựa làm vang động cả khu rừng. Bọn người đuổi theo là đám quân lính nhà Minh khoảng hơn chục tên, dẫn đầu là một tên phó tướng dáng người rất vạm vỡ. Không bao lâu bọn chúng đã đuổi kịp chiếc xe ngựa, tên dẩn đầu thản nhiên vung kiếm giết chết người điều khiển xe ngựa và người tùy tùng. Sau đó bọn chúng phá cửa xe và lôi xuống một cô gái rất xinh đẹp bận trang phục màu trắng. Trong tiếng cười khả ố, man rợ của bọn giặc cướp nước và tiếng van xin yếu ớt tuyệt vọng của cô gái, bọn chúng lần lượt xé nát y phục của cô gái dự định cùng nhau làm nhục cô.

    Tên phó tướng cười ha hả vươn cánh tay to lớn đầy lông lá sắp sửa giật phăng chiếc yếm đào che ngực cô gái thì bỗng dưng có một bàn tay nắm chặt lấy tay hắn níu lại. Hắn chưa kịp phản ứng thì một cú đá đã quét ngang mặt hắn làm mắt hắn tối sầm và té bật ngửa ra phía sau hơn một trượng. Bọn lính nhà Minh vô cùng ngạc nhiên vì người ra tay lại chính là chàng trai bán dầu có dáng người hơi thấp bé và mảnh khảnh. Giận dữ tên phó tướng gầm lên:

    - Bọn bây hãy giết ngay tên An Nam nhiều chuyện này cho ta!

    Chàng trai không nói gì lập tức xổ tung tấm vải quấn quanh thanh đòn gánh dùng để gánh dầu làm lộ ra một thanh kiếm được ngụy trang kín đáo trong đó. Thanh kiếm vừa tuốt ra khỏi vỏ đã tỏa ra ngay một loại ánh sáng sắc lạnh mà đối với những người am hiểu về binh khí sẽ biết ngay đó là một thanh bảo kiếm. Chàng trai hét lên một tiếng và vung kiếm tấn công bọn lính đang vây quanh. Chưa đầy một khắc, bọn lính nhà Minh cùng tên phó tướng đã lần lượt ngã gục trước mũi gươm huyền ảo của chàng trai. Tên phó tướng dù đã chết nhưng mắt vẫn còn mở trao tráo. Có lẽ hắn cũng không hiểu vì sao một người như hắn đã từng bao năm chinh chiến khắp nơi, đã từng chém gục không biết bao nhiêu tướng lĩnh quân địch để đoạt cờ, lại có thể chết một cách quá dễ dàng trước kiếm pháp kỳ lạ của chàng trai.

    Chàng trai lấy ra một chiếc áo choàng trong tay nải của mình trao cho cô gái quấn quanh mình rồi vội vã gánh dầu đi ngay. Không ngờ cô gái rất nhanh, chỉ lướt nhẹ thôi đã kịp đuổi theo cản đường chàng trai:

    - Xin cảm ơn ân nhân đã cứu mạng. Ân nhân có thể cho ta biết tên tuổi được không?

    - Tôi là một kẻ lang thang không tên không tuổi, bán dầu kiếm sống qua ngày. Không có gì đáng để người khác quan tâm!

    - Chàng nói vậy, nhưng ta biết chàng tên thật là Trần Nguyên Hãn, chính là hậu duệ của Thái sư Thượng tướng Chiêu Minh Vương Trần Quang Khải. Không biết nói thế có đúng không?

    - Nàng nói sai rồi, tôi chỉ là một kẻ hèn mọn nào có xứng đáng là cháu con của một bậc đại danh tướng.

    Cô gái mỉm cười:

    - Chàng đừng che giấu nữa. Chàng chính là Trần Nguyên Hãn, người huyện Lập Thạch, cháu nội của quan Tư đồ Trần Nguyên Đán. Khi Hồ Quý Ly cướp ngôi nhà Trần, để tránh bị truy sát mẹ chàng đã trốn về Sơn Đông lánh nạn và sinh ra chàng. Tuy gia cảnh lúc đó rất nghèo túng nhưng từ nhỏ chàng đã nổi tiếng là người rất thông minh hiếu học và am hiểu binh pháp. Từ khi cha con Hồ Quý Ly bị quân Minh đánh bại và bắt sống tại Kỳ La, chàng đã có ý muốn khôi phục lại nhà Trần. Mấy tháng trước chàng có đến lễ ở đền Bạch Hạc và ngủ lại tại đền để cầu mộng. Nửa đêm chàng nghe hai vị thần Tản Viên và Bạch Hạc trò chuyện là trời đã sai người xuống lấy lại nước Nam. Chàng cũng đang phân vân là không biết có nên lần dò đến Thanh Hóa để tìm người ấy hay không?

    Chàng trai tỏ vẻ ngạc nhiên:

    - Nàng là ai? Sao lại biết rõ chuyện của tôi?

    - Ta là nữ thần Dê Trắng, tên chữ là Bạch Dương.

    Chàng trai phì cười:

    - Nàng là nữ thần tất nhiên là phải có quyền phép sao lại để cho bọn lính giặc Minh người phàm mắt thịt toan làm hại?

    - Nước mất nhà tan. Oai linh nước Đại Việt không còn. Bao đình chùa miếu mạo đều bị bọn giặc cướp nước cướp phá tan hoang. Ngay cả chuông vàng, tượng phật vàng là quốc bảo của nước ta, cũng còn bị bọn giặc Minh đập phá lấy cắp đem về nước của chúng thì có sá gì một tiểu thần nhỏ mọn như Bạch Dương ta…

    Chàng trai, chính là Trần Nguyên Hãn, nhìn cô gái dò xét hồi lâu rồi nói:

    - Nàng nói cũng có lý nhưng nói thật tôi vẫn không tin!

    - Thanh kiếm chàng đang có trong tay chính là Chiêu Minh Kiếm, thanh bảo kiếm gia truyền của dòng họ Trần. Hơn một trăm năm trước, sau chiến thắng vang dội trong trận Chương Dương, giải phóng kinh thành Thăng Long khỏi quân xâm lược Nguyên - Mông; Trần Thái sư đã cho đúc thanh gươm quý này để kỷ niệm những chiến công hiển hách và truyền lại cho con cháu đời sau. Những chiêu thức chàng đã dùng để tiêu diệt bọn quân lính nhà Minh vừa rồi cũng chính là những tuyệt kỹ trong bộ sách Chương Dương Kiếm Phổ, bí truyền của dòng họ Trần. Và chàng mấy năm nay phải giả dạng người bán dầu vất vả xuôi ngược buôn bán cũng chính là mong tìm kiếm một minh chủ họ Trần để toan chuyện khôi phục.

    - Nàng đã nói thế, vậy cho tôi xin hỏi nước Đại Việt có bị mất hay không? Theo thời thế hiện giờ thì bao giờ nước ta mới khôi phục được?

    - Nước Đại Việt sẽ mãi mãi trường tồn và sau này sẽ còn tiếp tục lớn mạnh. Nhưng theo luật tuần hoàn vận nước cũng có lúc thịnh cũng có lúc suy. Anh hùng nước ta thì đời nào cũng có chỉ tiếc rằng thời cơ vẫn chưa đến. Giặc Minh vẫn còn đang rất mạnh, còn lòng dân Đại Việt vẫn chưa quy về một mối. Nhiều người hiện giờ vẫn còn hồ đồ tin tưởng cái chiêu bài cũ rích “Phù Trần diệt Hồ” của bọn giặc Minh…

    - Cho tôi xin hỏi: Con cháu vua Trần còn lại những ai có tài đức để có thể tôn làm minh chủ dựng cờ khởi nghĩa được?

    - Đây là chuyện riêng tư của dòng họ chàng, ta không dám lạm bàn. Chỉ có một câu nói thôi: Khí số nhà Trần đã tận…

    Trần Nguyên Hãn thở dài than:

    - Mấy năm trước dựng cờ khởi nghĩa chống bọn giặc Minh có Giản Định Đế Trần Ngỗi và Trùng Quang Đế Trần Quý Khoáng. Chỉ tiếc rằng Giản Định Đế nghe lời gièm pha giết chết hai vị tướng tài là Đặng Tất và Nguyễn Cảnh Chân khiến lòng quân lý tán, nên chưa đầy hai năm đã bị giặc Minh bắt và giết hại. Còn Trùng Quang Đế tuy có quyết tâm và tận lực chống bọn xâm lược nhưng quân ít thế cô, cuối cùng cũng bị giặc bắt phải nhảy xuống nước tự vẫn.

    - Ta xin chia buồn cùng chàng. Nhưng chàng cũng nên tự hào, vua Trùng Quang của dòng họ chàng là vị vua thứ ba của nước ta, sau Nhị thánh Trưng Nữ Vương, đã chọn cái chết oanh liệt khi chống giặc ngoại xâm bị thất bại!

    - Đành rằng như thế, nhưng biết bao nhiêu bầy tôi hào kiệt của vua Trùng Quang như Đặng Dung, Nguyễn Súy, Nguyễn Cảnh Dị, Nguyễn Biểu… đều đã hi sinh vì nước hết rồi! Nước Nam ta vẫn còn có nhân tài ư?

    - Như ta đã nói, anh hùng nước ta đời nào cũng có. Anh hùng này ngã sẽ có nhiều anh hùng khác tiếp tục đứng lên diệt giặc cứu nước. Thiên cơ bất khả lậu! Ta chỉ xin tiết lộ tên hai nhân tài mà chàng biết rất rõ. Một là chàng, Trần Nguyên Hãn. Hai là một người anh em cô cậu của chàng…

    Trần Nguyên Hãn nói như reo lên:

    - Tôi biết người này! Chính là Nguyễn Trãi, con trai của cô Trần Thị Thái tôi và dượng Nguyễn Phi Khanh! Chỉ tiếc rằng khi tôi nghe lời mẹ đến thành Đông Quan tìm Nguyễn Trãi thì mới hay Trãi đã bị giặc Minh bắt mất rồi!

    - Nguyễn Trãi đã trốn thoát và hiện đang đi tìm minh chủ…

    - Minh chủ là một người họ Trần?

    - Không! Một người họ khác! Họ và tên người này chàng đã biết khi nghe hai vị thần Tản Viên và Bạch Hạc trò chuyện với nhau tại đền Bạch Hạc!

    Trần Nguyên Hãn lẩm bẩm:

    - Lê Lợi ư? Không thể là người đó được!

    - Chàng không tin Lê Lợi?

    - Đúng vậy, tôi không tin! Tôi nghe đồn tên tướng giặc Hoàng Phúc đã trao cho Lê Lợi một chức quan và đáng buồn thay ông ta đã nhận chức ngụy quan này! Chỉ còn đợi ngày lành tháng tốt là ông ta có thể đi làm quan tay sai cho lũ giặc cướp nước mà thôi! Đã thế Lê Lợi suốt ngày chỉ biết nhậu nhẹt bê tha với đám bạn bè giá áo túi cơm của ông ta, không hề màng đến thế sự. Nhiều người đã gặp Lê Lợi, nói ông ta ăn uống rất thô lỗ, không có gì xứng đáng là dáng dấp của một vị đế vương cả!

    - Tin tức chàng nhận được là chính xác. Nhưng chàng nên nhớ hổ trước khi vồ mồi thường phải thu mình lại, rồng trước khi lộ diện thường ẩn nấp trong chốn ao tù.

    - Tôi cũng mong là như thế! Tôi sẽ còn tiếp tục theo dõi xem ông ta có xứng đáng là một minh chủ hay không! Nhưng nàng cho tôi hỏi: Một người như tôi mà cũng có thể gọi là một nhân tài ư?

    Nữ thần Bạch Dương cười lớn:

    - Chàng đừng khiêm tốn nữa! Mấy năm nay ở vùng Bạch Hạc, Tam Giang bọn giặc Minh thường hay giết người vô cớ, cướp bóc của người giàu, hãm hiếp gái tơ. Tiếng khóc than của dân đen vang vọng đến tận trời xanh. Bỗng đâu một đêm nọ, xuất hiện một hiệp khách áo đen ra tay nghĩa hiệp cứu giúp dân lành. Hiệp khách này rất giỏi võ nghệ, chỉ với một thanh gươm thôi nhưng đã giết rất nhiều tên giặc láo xược. Một lần hiệp khách đã xông vào tận dinh giết chết một tên quan huyện và bọn tay sai. Nhớ ơn vị hiệp khách đêm đêm hành hiệp cứu dân, dân trong vùng đã tôn kính gọi người đó là Hiệp Khách Rừng Thần. Người hiệp khách đó chính là Trần Nguyên Hãn chàng!

    Trần Nguyên Hãn cười lớn:

    - Rất cảm ơn nàng đã biết rất rõ, không sai một chi tiết nào cả!

    - Chàng cũng đã quy tụ được hơn 200 trai tráng. Không quản ngày đêm chàng đã huấn luyện cho họ thành những nghĩa quân võ nghệ tinh thông. Nghĩa quân ngày thì ẩn náu trong Rừng Thần, đêm lại kéo ra tiêu diệt giặc thù. Ta nhớ không lầm thì gần đây chàng đã dẫn nghĩa quân lẻn vào thành Tam Giang trong một đêm trời tối như mực, quân Minh bị bất ngờ không kịp trở tay lớp bị giết, lớp phải quy hàng. Thanh thế của nghĩa quân Rừng Thần ngày càng lớn mạnh. Chàng đang cùng nghĩa quân làm chủ một vùng Bạch Hạc, Tam Giang khiến quân Minh quanh vùng phải khiếp sợ.

    Trần Nguyên Hãn lộ rõ vẻ ngạc nhiên. Hãn vội chắp tay xá nữ thần vài xá rồi nói:

    - Phải khiêm tốn rồi!

    - Dù vậy, vùng Bạch Hạc, Tam Giang vẫn không phải là đất dụng võ của chàng. Không sớm thì muộn quân chủ lực của giặc Minh từ thành Đông Quan sẽ kéo ra bao vây, tìm cách tiêu diệt nghĩa quân Rừng Thần. Chàng nên sớm định liệu!

    Nữ thần Bạch Dương nói xong liền phất tay một cái. Tức khắc xiêm y nữ thần mặc trên người đang bị rách nát bỗng nhiên trở nên lại lành lặn và phẳng phiu như chưa hề có chuyện gì xảy ra. Người điều khiển xe ngựa và người tùy tùng của nữ thần cũng đã sống lại. Họ sửa sang chiếc xe ngựa xong cùng đến cúi đầu mời nữ thần lên xe. Nữ thần trao lại áo choàng cho Trần Nguyên Hãn rồi nói tiếp:

    - Năm nay là năm Mùi, nếu còn cơ duyên mười hai năm sau ta sẽ gặp lại chàng!

    Nói xong nữ thần quay lưng định bước lên xe, Trần Nguyên Hãn vội vòng tay cung kính kêu lớn:

    - Tôi xin có một câu hỏi về hậu vận của mình! Nữ thần có thể trả lời giúp được không ạ?

    Nữ thần quay lại mỉm cười:

    - Ta chỉ là một tiểu thần nhỏ ở nước Nam, quyền năng chẳng có là bao. Chàng cứ hỏi, nếu biết ta sẽ trả lời giúp chàng!

    - Tôi sẽ chết như thế nào? Tôi có thể sống được đến ngày đất nước sạch bóng quân giặc không?

    - Chàng sẽ hoàn thành nghiệp lớn nếu tìm được minh chủ cho mình! Chàng sẽ sống đến ngày đất nước thanh bình, nhưng cái chết của chàng sẽ có rất nhiều oan nghiệt!

    - Nữ thần có thể nói rõ hơn được không ạ?

    - Chàng có biết chuyện danh tướng Hàn Tín trong Tam kiệt của nhà Hán không?

    - Hóa ra minh chủ tương lai của ta lại là một kẻ giết hại công thần không kém gì Hán Cao Tổ Lưu Bang ư?

    - Chàng có sợ chết không?

    - Mạnh như Hạng Vũ, giỏi như Hàn Tín, tàn bạo như Tần Thủy Hoàng, nhẫn tâm như Lữ hậu, thống nhất được thiên hạ lập nên một triều đại kéo dài đến 400 năm như Lưu Bang - những kẻ đã sống trong thời Hán Sở tranh hùng - đều phải chết. Chết đâu có gì đáng sợ! Tôi chỉ sợ phải chết như dũng tướng Đặng Dung. Chết mà không nhắm mắt được vì thù nhà, nợ nước vẫn chưa trả xong!

    - Ông cha ta có một câu rút ra từ binh pháp Tôn Tử: “Biết người biết ta, trăm trận trăm thắng”. Hạng Vũ chết vì kiêu ngạo chỉ “biết ta” mà không “biết người”. Hàn Tín chết vì thiếu quyết đoán do chỉ “biết người” mà không “biết ta”. Còn một người tài trí như chàng vừa “biết ngưởi” vừa “biết ta”, cái chết chắc chắn sẽ oanh liệt hơn họ nhiều rồi!

    - Tôi chỉ mong trước khi tôi chết đất nước sẽ không còn bóng quân Minh!

    - Kẻ láng giềng phương Bắc dù có bị đánh đuổi ra khỏi nước Đại Việt vẫn tìm trăm phương ngàn kế để quay trở lại. Chúng luôn không từ bỏ dã tâm tìm mọi cách làm khó dễ nước ta cả khi đã thất bại nhục nhã. Cái chết của chàng tuy ở thời bình, nhưng cũng sẽ ích nước lợi nhà nếu chàng biết chọn lựa. Với lại minh chủ của chàng là một bậc anh hùng cứu quốc, đối nhân xử thế chác chắn không thể nào quá bạc bẽo như Hán Cao Tổ Lưu Bang. Ta chỉ có bấy nhiêu lời! Xin tạm biệt và hẹn ngày gặp lại!

    Nói xong nữ thần lên xe. Chiếc xe ngựa chở nữ thần chạy rất nhanh về phía trước và từ từ tan biến thành sương khói. Trần Nguyên Hãn đứng nhìn theo rất lâu rồi quẩy gánh dầu bước đi về hướng Bạch Hạc, Tam Giang.

    (còn tiếp)

    2016


    Thanh Trắc Nguyễn Văn

    --------------------------------------------

    Nguồn (vào Blog có thể xem tiếp phần 2,3 và 4): https://thanhtracnv.blogspot.com/201...-de-trang.html

    ---QC---


Trang 3 của 4 Đầu tiênĐầu tiên 1234 CuốiCuối

Thông tin về chủ đề này

Users Browsing this Thread

Có 1 người đang xem chủ đề. (0 thành viên và 1 khách)

DMCA.com Protection Status