TTV Translate - Ứng dụng convert truyện trên mobile
Hướng dẫn đăng truyện trên website mới
Đăng ký convert hoặc Thông báo ngừng
Trang 5 của 14 Đầu tiênĐầu tiên ... 34567 ... CuốiCuối
Kết quả 21 đến 25 của 70

Chủ đề: Plato Và Con Thú Mỏ Vịt Bước Vào Quán Bar-Thomas Cathcart & Daniel Klein

  1. #21
    Ngày tham gia
    Jul 2017
    Bài viết
    1,241
    Xu
    0

    Mặc định

    Ngụy Biện Dựa Vào Tôn Trọng Thẩm Quyền

    (ARGUMENTUM AD VERECUNDIAM)

    Lập luận dựa vào tôn trọng thẩm quyền là một trong những kiểu lập luận ưa thích của những người có chức tước. Viện dẫn thẩm quyền để hỗ trợ lập luận tự thân không phải là một ngụy biện logic; ý kiến chuyên gia là luận cứ chính đáng, bên cạnh những luận cứ khác. Cái sai ở đây là ta dùng sự tôn trọng thẩm quyền như khẳng định duy nhất cho ý kiến của mình, bất chấp các luận cứ có tính thuyết phục khẳng định điều ngược lại.

    Ted gặp bạn mình là Al, kêu lên, “Al! tớ nghe nói cậu đã chết!”

    “Làm gì có chuyện đó,” Al bật cười đáp. “Cậu thấy đấy, tớ đang sống nhăn răng.”

    “Không thể thế được!” Ted lẩm bẩm. “Người nói với tớ điều đó đáng tin hơn cậu nhiều.”

    Lập luận dựa vào thẩm quyền luôn gắn với nhân vật được ai đó xem là có thẩm quyền chính đáng.

    Một người bước vào tiệm bán vật nuôi hỏi xem vẹt. Chủ tiệm cho anh ta xem hai con vẹt đẹp nhất trong gian hàng. “Con này 5.000 đô la còn con kia 10.000 đô la,” ông ta nói.

    “Chà!” người kia nói. “Con 5.000 đô la biết làm gì?”

    “Con vẹt này có thể hát mọi khúc aria do Mozart sáng tác,” chủ tiệm nói.

    “Còn con kia?”

    “Nó hát được cả chùm Opera Ring của Wagner. Còn con nữa ở trong kia giá 30.000 đô la.”

    “Ôi trời! Nó làm được gì?”

    “Tôi chưa nghe nó hát cái gì bao giờ, nhưng hai con kia gọi nó là ‘Đại sư.’ ”

    Theo các ý kiến có thẩm quyền của chúng tôi, có một số bậc thẩm quyền có uy tín hơn những bậc thẩm quyền khác; nhưng rắc rối nảy ra khi người đối thoại với bạn không chấp nhận những uy tín ấy. Ta hãy xem câu chuyện từ kinh Talmud của người Babylon hồi thế kỷ 1 dưới đây.

    Bốn vị giáo sĩ thường xuyên tranh cãi về thần học, nhưng có ba vị luôn hùa nhau chống lại một vị. Một hôm, ông giáo sĩ lẻ loi, sau khi lại một lần nữa thua do ba chọi một, quyết định cầu đến một bậc thẩm quyền cao hơn.

    “Lạy Chúa!” ông kêu lên. “Trong thâm tâm con biết rằng con đúng và họ sai! Xin Chúa cho con một dấu hiệu để chứng minh điều đó với họ!”

    Hôm đó là một ngày nắng đẹp. Giáo sĩ vừa cầu nguyện xong, lập tức có ngay một đám mây dông lướt qua bầu trời trên đầu bốn người. Một tiếng sấm nổ rền, và đám mây tan biến. “Một dấu hiệu từ Chúa! Thấy chưa, tôi đúng, tôi biết mà!” Nhưng ba người kia không đổng ý, họ lý sự rằng mây dông vẫn thường hình thành vào những ngày nóng nực.

    Vì vậy, giáo sĩ kia lại cầu nguyện lần nữa. “Lạy Chúa, con cần một dấu hiệu lớn hơn để chứng tỏ rằng con đúng và họ sai. Vậy con cầu xin Chúa cho con một dấu hiệu lớn hơn!”

    Lần này, bốn đám mây dông xuất hiện, lao thẳng vào nhau để hình thành một đám mây lớn, rồi một tia sét giáng xuống cái cây trên ngọn đồi gần đó.

    “Tôi đã bảo các ông là tôi đúng mà!” ông giáo sĩ kêu lên, nhưng các bạn ông khăng khăng nói rằng mọi hiện tượng xảy ra không thể giải thích được bằng nguyên nhân tự nhiên.

    Vị giáo sĩ kia đang chuẩn bị cầu xin một dấu hiệu rất, rất lớn, nhưng mới vừa thốt lên “Lạy Chúa...” thì bầu trời bỗng đen kịt, mặt đất rung chuyển, rồi một giọng nói vang dội phán xuống, “ÔÔÔÔÔÔÔÔNG ẤY ĐÚÚÚÚNG!”

    Vị giáo sĩ chống tay ngang hông, quay lại ba người kia và nói, “Được chưa?”

    “Thế thì,” một trong ba giáo sĩ còn lại nhún vai, “bây giờ là ba chọi hai.”

    TTV Translate - Ứng dụng convert truyện trên mobile

    Lần sửa cuối bởi TN_VgLm, ngày 01-09-2019 lúc 10:42.
    ---QC---
    ᴄẦᴜ ᴛʀᴜʏỆɴ ʜᴀʏ Hidden Content


  2. #22
    Ngày tham gia
    Jul 2017
    Bài viết
    1,241
    Xu
    0

    Mặc định

    Nghịch Lý Zeno

    Nghịch lý là đoạn lập luận tưởng như hợp lý dựa trên những giả định có vẻ đúng nhưng dẫn đến một kết luận mâu thuẫn hoặc sai bét. Nói khác đi một chút thì ý trên có thể dùng để định nghĩa cho truyện cười - hoặc ít ra là cho hầu hết các truyện cười trong cuốn sách này. Có gì đó thật phi lý khi những lập luận đúng lại biến ra sai một cách có logic; và điều phi lý thì thường gây cười. Nếu cùng lúc giữ hai ý tưởng đối chọi nhau trong đầu, óc bạn sẽ choáng váng. Nhưng quan trọng nhất là, bạn có thể kể một nghịch lý lắt léo trong bữa tiệc và đem lại tiếng cười vui cho mọi người.

    Về truyện cười liên quan đến hai ý tưởng mâu thuẫn, Zeno thành Elea là bậc thầy. Bạn hẳn đã nghe câu chuyện của ông về cuộc chạy đua giữa Achilles và con rùa? Achilles vốn chạy nhanh hơn con rùa, nên con rùa được chấp cho xuất phát sớm hơn nhiều. Khi nghe tiếng súng lệnh, hay như người ta nói vào thế kỷ năm trước Công nguyên, khi ngọn lao phóng ra, mục tiêu đầu tiên của Achilles là đến được điểm xuất phát của rùa. Tất nhiên, lúc đó thì con rùa đã đi được một đoạn đường ngắn rồi, cho nên bây giờ Achilles phải đến được điểm đó. Nhưng lúc chàng đến đó, con rùa đã lại rời đi rồi. Dù Achilles đến được điểm mà rùa đã tới trước đó bao nhiêu lần, thậm chí vô hạn lần, Achilles cũng không bao giờ bắt kịp được con rùa, mặc dù chàng đã đến cực gần. Tất cả những gì mà con rùa cần làm để thắng cuộc đua là không dừng lại.

    Phải, Zeno không phải là Leno (James Douglas Muir “Jay” Leno, người dẫn chương trình và là diễn viên hài nổi tiếng người Mỹ), nhưng ở thế kỷ năm trước Công nguyên, ông là một triết gia không tồi. Và giống như một diễn viên tấu hài nổi tiếng của thời ấy, Zeno có thể nói, “Truyện thế này tôi có cả triệu.” Thực ra tất cả chỉ có bốn truyện. Một truyện khác là nghịch lý đường đua của ông. Để chạy đến cuối đường đua, người chạy trước hết phải hoàn thành vô số quãng đường. Anh ta phải chạy đến điểm giữa, rồi phải chạy đến điểm giữa của khoảng cách còn lại, rồi điểm giữa của khoảng cách vẫn còn lại, v.v. và v.v. Nói theo lý thuyết, vì anh ta phải chạy đến các điểm giữa vô hạn lần, anh ta sẽ không bao giờ đến được cuối đường. Nhưng tất nhiên [thực tế thì], anh ta đến được. Ngay cả Zeno cũng có thể thấy điều đó.

    Còn đây là một truyện hài cũ như thể do chính Zeno nghĩ ra:

    Người bán hàng: “Thưa bà, cái máy hút bụi này sẽ khiến công việc của bà vơi đi một nửa.”

    Bà khách: “Hay quá! Lấy cho tôi hai cái.”

    Trong câu chuyện này có một điều lạ lùng. Nghịch lý đường đua đi ngược với lẽ thường, ngay cả khi không thể chỉ ra nó sai ở đâu, chúng ta vẫn tin rằng có cái gì đó sai. Trong truyện cười về máy hút bụi, cách lập luận của Zeno lại không hề nghịch lý. Nếu mục đích của bà khách là hoàn thành công việc mà không hề tốn dù chỉ một chút thời gian, thì không có số lượng máy hút bụi tiết kiệm thời gian nào (và người sử dụng chúng đồng thời với bà) có thể đáp ứng. Bật hai máy hút bụi chỉ có thể giảm thời gian làm sạch thảm đi ba phần tư; chạy ba cái, giảm được năm phần sáu; và tiếp tục như thế, khi số lượng máy hút bụi tăng đến vô hạn.

    TTV Translate - Ứng dụng convert truyện trên mobile

    Lần sửa cuối bởi TN_VgLm, ngày 01-09-2019 lúc 10:42.
    ᴄẦᴜ ᴛʀᴜʏỆɴ ʜᴀʏ Hidden Content

  3. #23
    Ngày tham gia
    Jul 2017
    Bài viết
    1,241
    Xu
    0

    Mặc định

    Nghịch Lý Logic Và Nghịch Lý Ngữ Nghĩa

    Nghịch lý ngữ nghĩa còn được gọi là Nghịch lý Grelling, hay Nghịch lý Nelson, hoặc Nghịch lý heterological: Nếu nó là vậy, thì nó không vậy; còn nếu nó không vậy, thì nó là vậy. Tiến sĩ Kurt Grelling (1886-1942) là một nhà toán học Đức từng có nhiều công trình chung với triết gia người Đức Leonard Nelson (1882-1927). Về cuối đời hai người tuyệt giao do nhiều bất đồng “không thay đổi” được, trong đó có bất đồng chính trị.

    Gốc của toàn bộ các nghịch lý logic và nghịch lý ngữ nghĩa là nghịch lý Russell - gọi theo tên tác giả của nó, triết gia Anh thế kỷ hai mươi - Bertrand Russell. Nghịch lý đó thế này: “Liệu tập hợp của tất cả các tập hợp không phải là phần tử của chính chúng có phải là phần tử của chính nó?” Điều này thật gây sốc - đúng thế, nếu bạn tình cờ có bằng cấp cao về toán học. Nhưng hẵng khoan. Thật may, hai nhà logic học khác của thế kỷ hai mươi là Grelling và Nelson đã xuất hiện, với phiên bản dễ tiếp cận hơn của nghịch lý Russell. Nghịch lý ngữ nghĩa này xét khái niệm của các từ có ý nghĩa với chính bản thân chúng.

    Thử tìm hiểu tiếp: có hai loại từ, một loại tự nó mô tả nó (từ tự tả - autological), còn loại kia không tự nó mô tả được nó (từ không tự tả - heterological). Ví dụ, các từ như “ngắn” (bản thân nó ngẳn), hoặc “dài ngoẵng” (bản thân vốn dài, nhiều âm tiết) là autological. Còn “dài” (chỉ có một âm tiết) là heterological. Vậy từ heterological phải chăng là heterological? Nếu nó không là vậy, thì nó không vậy; còn nếu nó không là vậy, thì nó là vậy. Ha! Ha!

    Các bạn vẫn chưa cười được? Vậy thì, đây là một trường hợp khác, khái niệm triết học được chuyển dịch sang truyện cười để trở nên sáng tỏ hơn:

    Một thị trấn nọ chỉ có một bác phó cạo duy nhất - nhân tiện nói thêm, bác ta là đàn ông - cạo mặt cho tất cả đàn ông trong thị trấn, và chỉ cạo cho những người đàn ông nào không tự cạo mặt. Vậy bác phó cạo có tự cạo mặt cho mình không?

    Nếu bác ta có (tự cạo mặt) thì không. Nếu bác ta không (tự cạo mặt) thì có.

    Đó là một nghịch lý Russell mà bạn có thể kể khi dự tiệc.

    Chúng tôi không thường vào thăm nhà vệ sinh nữ, nên không biết trong đó xảy ra những gì, nhưng chúng tôi biết chắc rằng các độc giả nam giới đã quá quen thuộc với những nghịch lý nguệch ngoạc trên tường các ngăn vệ sinh nam, nhất là trong các khu đại học. Chúng là những nghịch lý logic ngữ nghĩa kiểu Russell và Grelling - Nelson, nhưng ngắn gọn hơn. Các bạn còn nhớ những nghịch lý đó không? Có nhớ bạn đã bắt gặp chúng ở đâu không?

    “Câu này sai.” Nó đúng hay sai?

    Hay:

    Một người cố gắng để thất bại và đã thành công, vậy anh ta đã thất bại hay thành công?

    Chỉ để cho vui, lần tới, nếu vào nhà vệ sinh, bạn hãy viết lên tường: “Từ ‘không tự tả’ thuộc loại từ tự tả hay từ không tự tả?” Một chuyện hay đáng để làm đấy.

    xXx

    DIMITRI: Hay đấy, nhưng tất cả những điều này liên quan gì đến việc trả lời những Câu Hỏi Lớn?

    TASSO: Này, giả sử cậu đến thăm Nhà tiên tri ở Delphi và hỏi, “Tất cả những điều này có nghĩa gì?” Và ông ấy trả lời, “Cuộc đời là một chuyến du hý, mọi chuyến du hý đều vui: nên cuộc đời rất vui.” Logic luôn gợi cho cậu một cái gì đó để tán chuyện.

    TTV Translate - Ứng dụng convert truyện trên mobile

    Lần sửa cuối bởi TN_VgLm, ngày 01-09-2019 lúc 10:42.
    ᴄẦᴜ ᴛʀᴜʏỆɴ ʜᴀʏ Hidden Content

  4. #24
    Ngày tham gia
    Jul 2017
    Bài viết
    1,241
    Xu
    0

    Mặc định

    III. Nhận Thức Luận: Luận Về Tri Thức

    Làm sao anh biết rằng anh biết thứ mà anh nghĩ là anh biết? Loại bỏ phương án trả lời “Đơn giản là tôi biết!” những gì còn lại là nhận thức luận.

    DIMITRI: Giờ tôi thấy dễ chịu rồi, Tasso ạ. Nuốt trôi xong được món logic, phần còn lại xem ra sẽ chỉ là một chuyến dạo chơi trong Acropolis.

    TASSO: Acropolis nào?

    DIMITRI: Kia kìa! Ngay trước mặt đấy! Có lẽ cậu nên làm một ly ouzo cho dịu đầu óc, bạn ạ.

    TASSO: Nhưng đó là Acropolis hay chỉ là thứ mà cậu tin là Acropolis? Làm sao cậu biết được nó là thật? Mà trong chuyện này, làm sao cậu biết được một cái gì đó là thật?

    DIMITRI: Đấy, cậu lại thế.

    xXx

    TTV Translate - Ứng dụng convert truyện trên mobile

    Lần sửa cuối bởi TN_VgLm, ngày 01-09-2019 lúc 10:43.
    ᴄẦᴜ ᴛʀᴜʏỆɴ ʜᴀʏ Hidden Content

  5. #25
    Ngày tham gia
    Jul 2017
    Bài viết
    1,241
    Xu
    0

    Mặc định

    Lý Tính Đọ Với Thiên Khải

    Vậy làm sao ta biết rằng mình biết điều gì đó, nếu quả thực ta biết điều gì đó?

    Suốt thời Trung cổ, câu hỏi này đã dẫn đến niềm tin coi thiên khải vượt trên lý tính, là nguồn gốc của tri thức con người, hoặc ngược lại.

    Một người trượt chân rơi xuống giếng sâu, lao thẳng đến mấy chục mét mới dừng lại nhờ níu được vào một đoạn rễ cây nhỏ. Nhưng bàn tay nắm đoạn rễ cứ yếu dần, yếu dần, anh ta tuyệt vọng kêu lên, “Có ai ở trên đó không?”

    Anh ta nhìn lên, chỉ thấy một mảnh trời tròn. Đột nhiên, những đám mây rẽ ra, rồi một tia sáng chói lòa chiếu thẳng xuống anh ta. Một giọng trầm sâu rền vang, “Ta, Đức Chúa Trời đây. Con hãy buông tay khỏi cái rễ cây, ta sẽ cứu.”

    Anh chàng gặp nạn thoáng nghĩ trong tích tắc rồi gào lên, “Có ai khác ở trên đó không?”

    Bị treo trên một cái rễ cây, người ta dễ có xu hướng nghiêng cán cân về phía lý tính.

    Ở thế kỷ mười bảy, René Descartes đã chọn lý tính thay vì thần linh là nguồn gốc của tri thức. Điều này sẽ được nhận rõ khi đặt Descartes trước nguồn gốc ấy.

    Có lẽ Descartes ước gì ông chưa từng nói “Cogito ergo sum” (Tôi tư duy vậy tôi tồn tại), bởi vì đó là tất cả những gì mà mọi người nhớ về ông - câu nói đó và chuyện ông đã thốt ra nó khi đang ngồi trong một lò bánh mì. Dường như thế còn chưa đủ tệ, mà “cogito” (tôi tư duy) của ông thường xuyên bị hiểu sai thành Descartes tin tư duy là đặc tính căn bản của con người. Phải, thực sự ông đã tin như thế, nhưng điều đó không liên quan đến cogito ergo sum. Descartes đi đến cái cogito thông qua một thử nghiệm hoài nghi triệt để nhằm phát hiện liệu có cái gì mà ông có thể tin chắc; tức là, một cái gì mà ông không thể nghi ngờ. Ông khởi đầu bằng cách nghi ngờ sự tồn tại của thế giới bên ngoài. Điều đó khá dễ dàng. Có lẽ ông đang mơ màng hay đang bị ảo giác. Rồi ông thử nghi ngờ sự tồn tại của chính ông. Nhưng khi ông hoài nghi, ông vấp phải thực tế rằng để hoài nghi cần có kẻ hoài nghi. Đó là chính ông! Ông không thể hoài nghi chính sự hoài nghi của mình. Lẽ ra ông đã có thể tránh được nhiều diễn giải sai lạc nếu chỉ nói, “Dubito ergo sum.” (Tôi hoài nghi vậy tôi tồn tại).

    Các quan tòa ở tòa án hình sự Mỹ luôn yêu cầu bồi thẩm đoàn áp dụng phương pháp tìm kiếm độ xác tín của Descartes bằng cách xem xét bằng chứng kết tội bị cáo dựa trên tiêu chuẩn khắt khe gần như ngang với Descartes. Yêu cầu dành cho bồi thẩm đoàn không giống như dành cho Descartes; quan tòa không quan tâm liệu bồi thẩm đoàn có bất kỳ nghi ngờ nào về tội trạng của bị cáo, mà quan tâm đến những nghi ngờ xác đáng. Nhưng thậm chí tiêu chuẩn thấp hơn ấy cũng đòi hỏi bồi thẩm đoàn phải tiến hành những thử nghiệm trí não tương tự, và gần như triệt để không kém Descartes.

    Một bị cáo hầu tòa vì tội giết người. Các chứng cứ buộc tội anh ta trong vụ án đã rất rõ ràng, nhưng không có xác chết. Kết thúc phần tranh biện của mình, vị luật sư bào chữa quyết định phải dùng mẹo. “Kính thưa quý bồi thẩm đoàn,” ông ta nói. “Tôi có một điều ngạc nhiên dành cho tất cả quý vị - trong vòng một phút nữa, người bị cho rằng đã chết sẽ bước vào phòng xử án này.”

    Ông ta ngó ra cửa phòng xử án. Các vị hội thẩm sửng sổt, cũng hăm hở ngó ra. Một phút trôi qua. Không có gì xảy ra. Cuối cùng, luật sư nói, “Nói thật là tôi đã bịa ra chuyện người chết sẽ bước vào. Nhưng tất cả quý vị đều nhìn ra cửa chờ đợi. Vậy, tôi có thể nói với các vị rằng trong vụ này có một nghi ngờ hợp lý, rằng có phải có người đã bị giết hay không, do đó tôi phải yêu cầu các vị quay lại phán quyết ‘vô tội.’ ”

    Bổi thẩm đoàn giải lao để cân nhắc. Vài phút sau, họ trở lại và ra phán quyết “có tội.”

    “Nhưng sao các vị có thể làm thế?” viên luật sư gầm lên. “Chắc chắn các vị đã nghi ngờ. Tôi thấy tất cả các vị đều nhìn chằm chằm ra cửa.”

    Chủ tịch bồi thẩm đoàn trả lời, “Ồ, chúng tôi đã nhìn, nhưng thân chủ của ông thì không.”

    TTV Translate - Ứng dụng convert truyện trên mobile

    Lần sửa cuối bởi TN_VgLm, ngày 01-09-2019 lúc 10:43.
    ᴄẦᴜ ᴛʀᴜʏỆɴ ʜᴀʏ Hidden Content

    ---QC---


Trang 5 của 14 Đầu tiênĐầu tiên ... 34567 ... CuốiCuối

Thông tin về chủ đề này

Users Browsing this Thread

Có 1 người đang xem chủ đề. (0 thành viên và 1 khách)

DMCA.com Protection Status