TTV Translate - Ứng dụng convert truyện trên mobile
Hướng dẫn đăng truyện trên website mới
Đăng ký convert hoặc Thông báo ngừng
Trang 1 của 4 123 ... CuốiCuối
Kết quả 1 đến 5 của 17

Chủ đề: Truyện ngắn Thanh Trắc Nguyễn Văn

  1. #1
    Ngày tham gia
    Jul 2016
    Bài viết
    381
    Xu
    99

    Mặc định Truyện ngắn Thanh Trắc Nguyễn Văn

    Truyện ngắn đã đăng trên hai tờ báo Tài Hoa Trẻ số 730 ngày 15.11.2011 và báo Văn Nghệ tp.HCM số 313, ngày 7.8.2014.

    --------------------------------------------------------------------------------------




    Truyện ngắn: ĐIỀU CHƯA BIẾT

    Trong một góc nhỏ của phòng giáo viên, cô Định đang tiếp một vị phụ huynh. Đối thoại giữa cô giáo Định và vị phụ huynh từ lúc đầu đã căng thẳng giờ lại càng căng thẳng hơn. Cô giáo Định luôn tỏ ra mềm mỏng nhưng vị phụ huynh, một người phụ nữ đã đứng tuổi, ăn bận sang trọng, có nét mặt từng trải, lại luôn tỏ ra rất khó chịu trước những câu trả lời của giáo viên bộ môn.





    - Môn Giáo dục công dân của cô có phải là môn chính đâu mà cô bắt con gái tôi phải học? Cô nên nhớ lớp của con tôi học là lớp ban A, là lớp Toán – Lý – Hóa nâng cao. Nó cần phải có thời gian để tập trung học những môn đó. Ngoài ra còn một số môn quan trọng khác nữa như môn Anh văn, môn Văn và môn Sinh. Riêng môn Giáo dục công dân của cô, nói thật cô đừng buồn, tôi chưa hề nghe có ban nào mà môn Giáo dục công dân được gọi là môn nâng cao cả! Môn học của cô dạy mãi mãi cũng chỉ là một môn phụ mà thôi!

    - Nhưng trong phân phối chương trình dạy học của Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn có môn học này. Mà chương trình đã có thì các em phải học và phải làm kiểm tra thật nghiêm túc.

    - Tôi xin khẳng định một lần nữa sáng hôm qua con tôi làm bài kiểm tra trắc nghiệm rất nghiêm túc. Chính nó về đã nói với tôi như vậy!

    - Thật sự em nó có trao đổi đó chị à! Em Thương đã ra dấu bằng tay để hỏi bài những em có cùng chung mã đề. Thi trắc nghiệm có cái hay là rất khách quan nhưng lại rất dễ trao đổi đáp án vì đáp án trắc nghiệm chỉ có bốn chữ A,B,C và D thôi.

    - Tôi không tin điều đó. Muốn khẳng định con gái tôi có trao đổi trong giờ kiểm tra cô phải có bằng chứng chứ? Này, cô đừng có đem mấy cái biên bản ra nhé, xưa rồi! Biên bản có chữ ký của mấy đứa học sinh vi phạm chẳng qua là chúng nó sợ nên phải ký thôi. Cô muốn khẳng định con tôi có vi phạm trong giờ kiểm tra cô phải có hình chụp hoặc có phim quay được hẳn hoi. Chúng ta đang ở thế kỷ 21, thế kỷ của công nghệ tiên tiến, không phải cô muốn buộc tội miệng con tôi thế nào cũng được đâu!

    - Chị là luật sư?

    - Không, trước kia tôi đã từng là giáo viên. Chồng tôi cũng đã có thời gian từng là cán bộ công tác trên Bộ, do đó những qui định về ngành giáo dục vợ chồng tôi đều rành lắm. Tôi nói cho cô chuẩn bị trước. Tôi sẽ kiện cô lên Sở đấy!

    - Chị muốn kiện tôi về việc gì?

    - Về việc cô bắt con tôi phải đứng trong lớp trong mỗi tiết của cô!

    - Xin lỗi chị, tôi bắt em đứng là vì em không thuộc bài. Tôi đã không đánh đập em, nhục mạ chửi mắng em, không bắt em phải còng lưng chép phạt. Như thế có gì là sai với quy định của ngành giáo dục? Với lại tôi có nói sẽ cho em ngồi khi em đã thật sự thuộc bài. Rất tiếc là bài học dù đã rất cũ, đã phải trả đi trả lại nhiều lần em vẫn không thèm thuộc!

    - Cô nói sai rồi. Con gái tôi và bạn bè của nó đều nói với tôi là con gái tôi đã thuộc xong bài, nhưng cô do thù ghét cá nhân nên vẫn cứ tìm cách bắt bẻ nó mãi. Còn bắt học trò đứng? Tôi xin hỏi cô giáo có văn bản nào của Bộ cho phép bắt học sinh phải đứng trong lớp khi không thuộc bài không? Cô hãy trả lời cho tôi đi? Làm gì có! Ngoài ra tôi cũng sẽ đề nghị Hiệu trưởng của cô phải giải thích trước Sở vì sao môn học nào trong lớp của con gái tôi điểm trung bình cũng đều được trên tám, chín phẩy; nghĩa là nó rất thông minh, nó rất giỏi các môn khác. Còn riêng môn Giáo dục công dân của cô nó chỉ có điểm trung bình là 4,9; đến nổi nó phải mất danh hiệu Học sinh giỏi ở Học kỳ I là sao? Có phải là năng lực giảng dạy của cô có “hạn chế”, có “vấn đề” hay không?

    Cô giáo Định không trả lời nữa chỉ biết lắc đầu ngao ngán rồi thở dài. Vị phụ huynh nhếch mép cười bồi thêm:

    - Cách đây vài năm, khi tôi còn là giáo viên, tôi đã từng nghe đồn là trong ngôi trường này có một em học sinh không may cha mẹ bị tai nạn mất sớm. Một cô giáo đã giúp đỡ cho em đó ăn học cho đến lúc ra trường. Báo chí hồi ấy đã đưa tin rất nhiều. Gương tốt ở ngay trong trường của cô sao cô không chịu học tập lấy?

    Một cô giáo trẻ nãy giờ vẫn ngồi soạn giáo án ở gần đó liền bước tới ngồi cạnh cô Định và chào vị phụ huynh:

    - Thưa bà, bà tỏ ra biết rất nhiều, nhưng vẫn có một điều bà vẫn chưa biết. Cách đây tám năm, một em nữ sinh học lớp 11 có cha mẹ đột ngột phải qua đời vì tai nạn lao động. Nhà em nữ sinh rất nghèo, nhà cô giáo đó cũng nghèo không kém. Cô lại đang góa chồng và phải nuôi hai đứa con nhỏ. Thế nhưng từng bữa ăn, cô giáo đó vẫn đem đến nhà cho em nữ sinh từng suất cơm khi là rau, khi là thịt, san sẻ của gia đình cô; rồi từng đồng tiền còm giúp đỡ và động viên em nên tiếp tục đi học. Khi em nữ sinh tốt nghiệp phổ thông rồi đậu vào đại học, cô lại chạy đi tìm các nhà hảo tâm tìm học bổng cho em, giúp em nữ sinh đó có thể học đến nơi đến chốn, nhằm có được một tương lai ổn định. Em nữ sinh đó chính là tôi, hiện là giáo viên dạy toán lớp của em Thương, con gái bà. Còn cô giáo có tấm lòng nhân hậu đó chính là cô Định đây! Thưa bà, tôi ngày xưa cũng như con gái bà cũng đã từng coi thường môn Giáo dục công dân và cũng từng bị cô Định nhiều lần bắt phải đứng trong lớp. Nhưng cũng nhờ vậy tôi mới nên người được như ngày hôm nay. Thưa bà!

    Nói xong cô giáo trẻ nắm lấy bàn tay của cô giáo Định òa khóc nức nở. Vị phụ huynh ngồi lặng hồi lâu rồi đứng lên lặng lẽ bước ra khỏi phòng. Ngoài sân trường những giọt nắng chiều cuối cùng của mùa đông đang lần lượt tắt dần. Một chậu mai vàng đặt cạnh cửa ra vào của phòng giáo viên đang hé nở những cánh hoa vàng đầu tiên. Tươi tắn và xinh xắn…

    2011


    Thanh Trắc Nguyễn Văn





    Ghi chú: ảnh minh họa sưu tầm từ internet
    ---QC---


  2. #2
    Ngày tham gia
    Jul 2016
    Bài viết
    381
    Xu
    99

    Mặc định

    Truyện ngắn ĐIỀU CHƯA BIẾT viết dựa theo những tư liệu có thật về cô Định, giáo viên dạy môn giáo dục công dân trường THPT Võ Thị Sáu tp.HCM.

    ------------------------------------------------------------






  3. #3
    Ngày tham gia
    Jul 2016
    Bài viết
    381
    Xu
    99

    Mặc định

    Truyện ngắn đã đăng trên Tạp chí Dinh Dưỡng Và Sức Khỏe từ tháng 3 năm 2015 nhưng tác giả chỉ vừa mới được tòa soạn chuyển khoản nhuận bút vào tháng 5 năm 2016.

    -------------------------------------------------------------------------



    Truyện ngắn: LỄ THƯỢNG THỌ

    I.
    Cả nhà ông Ba vô cùng sửng sốt khi thấy ông Hai lặn lội từ thành phố xa xôi về thăm. Mà đúng là “lặn lội” thật! Sau khi đã mướn khách sạn ngoài tỉnh cho anh tài xế nghỉ ngơi và cũng tiện để chăm sóc cho chiếc xe du lịch đắt tiền, ông Hai đón ghe đi vào cồn. Do đi ghe không quen nên ông bị đám hành khách là bọn du thử du thực giành xuống ghe lấn té rớt xuống sông, người ông ướt lóp ngóp cứ như chuột lột.





    Ông Ba vội hối đám con cháu tìm đồ khô thay cho ông Hai rồi kéo ông Hai ra uống trà ở góc vườn:

    - Anh Hai về đây làm gì? Tui nhớ không lầm thì đã hơn hai mươi năm nay anh Hai không bước chân về căn nhà nghèo nàn này mà?

    - Tôi về là để thăm mẹ cùng gia đình chú Ba. Với lại mẹ năm nay cũng đã gần tám mươi rồi, tôi tính rước mẹ lên thành phố để làm lễ thượng thọ cho mẹ. Mà sao chú Ba lại cứ thích nói lời cay đắng thế nhỉ? Tháng nào tôi cũng đều gởi tiền về cho gia đình chú phụng dưỡng mẹ đầy đủ.

    Ông Ba cười mát:

    - Vâng, cũng nhờ tiền của anh Hai mà mẹ vẫn thọ cho đến giờ và gia đình tui cũng được hưởng xái nên cuộc sống cũng được xem là khá phong lưu. Tui và gia đình tui vẫn luôn nhớ ơn anh Hai. À, anh Hai có nói đến lễ thượng thọ, nghĩa là sao?

    - Mẹ vẫn còn sống, đó là hồng phúc của tui và chú. Để báo hiếu cho mẹ tôi sẽ rước mẹ lên thành phố ngay chiều nay để làm lễ thượng thọ cho mẹ ở nhà tôi. Chú yên tâm. Tiệc tùng, trang trí, quần áo cho mẹ tôi đều đã cho người lo hết cả rồi.

    - Không được đâu anh Hai. Mẹ đã già yếu lắm rồi. Ngày nào tui cũng phải kêu con gái tui là con Sáu ra tỉnh rước bà bác sĩ quen về khám bệnh và chích thuốc khỏe cho mẹ. Mẹ tự đi còn không được nói chi là lên đến thành phố!

    - Tôi sẽ gọi bác sĩ giỏi nhất của thành phố về đây để cùng đi và theo dõi sức khỏe cho mẹ trong suốt cuộc hành trình. Chú đừng quá lo như vậy.

    - Anh Hai có điên hay không mà bắt mẹ phải di chuyển một quãng đường dài trong một khoảng thời gian rất lâu như vậy? Nào là khiêng mẹ ra bến thuyền. Rồi bắt mẹ nằm trên thuyền chòng chành gần một tiếng đồng hồ. Rồi lên xe du lịch của anh, chạy nhanh nhất cũng gần bốn tiếng mới lên được thành phố. Mà anh Hai cũng biết mẹ vẫn thường hay bị say xe. Người khỏe như tui cũng còn cảm thấy đuối chứ nói chi đến một bà cụ tuổi đã gần đất xa trời, lại thêm mắc nhiều chứng bệnh triền miên như mẹ hiện nay.

    - Tôi biết sẽ rất khó khăn cho mẹ nhưng vì lễ báo hiếu cho mẹ chúng ta phải cố gắng chú à.

    - Thế tại sao anh Hai không tổ chức lễ thượng thọ tại đây cho tiện? Nói thật, anh Hai hiện là quan lớn ở thành phố. Anh Hai chỉ cần hú một tiếng là đám quan con, quan nhỏ của anh sẽ tề tựu về đây đầy đủ ngay.

    - Chú đúng là không hiểu gì hết! Tôi còn các quan bạn cùng cấp và các cấp trên của tôi nữa chứ. Không lẽ chỉ vì lễ thượng thọ của mẹ mà tôi bắt họ phải lặn lội về tận nơi xứ sở khỉ ho cò gáy này. Chú muốn tôi bị người ta oán à?

    - Thế thì anh Hai đừng tổ chức lễ nữa! Anh Hai muốn mẹ chết khi phải hành xác di chuyển một quãng đường dài vừa đường sông, đường bộ lên nhà anh hay sao?

    - Tôi đã nói tôi sẽ gọi bác sĩ giỏi nhất thành phố đi theo suốt cuộc hành trình để chăm sóc sức khỏe cho mẹ. Chú cứ yên tâm!

    - Tui nói thật tui đã chăm sóc cho mẹ hơn hai mươi năm nay, tui biết rất rõ sức khỏe của mẹ. Tui không đồng ý cho anh Hai đưa mẹ đi.

    - Này chú Ba, chú đừng có ngang bướng. Tôi là anh của chú. Chú có nhớ câu “Quyền huynh thế phụ” không? Tôi đã quyết, chú không được bàn cãi nữa!

    - Anh Hai! - Ông Ba bỗng nghiêm sắc mặt, ông bóp mạnh tách trà trong lòng bàn tay khiến nó từ từ vỡ vụn - Anh đừng có tự dối mình dối người nữa! Anh tổ chức cái lễ thượng thọ này chỉ nhằm thu lợi riêng cho bản thân của anh mà thôi!

    - Này chú Ba, chú không được ngậm máu phun người xúc phạm tôi nghen! Dù sao tôi cũng là người có chức có quyền và tôi cũng còn là anh ruột của chú!

    - Anh Hai, anh hãy để tui nói hết đã. Nếu tui nhớ không lầm thì năm nay anh đã lần lượt tổ chức sinh nhật cho anh, cho vợ anh, cho thằng Quyền con trai anh rồi cho con Thúy con gái của anh đúng không? Chưa hết, con Thúy năm nay mới 18 tuổi, chưa biết gì thế mà anh đã vội gả nó lấy chồng để tổ chức đám cưới. Một cái đám cưới rình rang lớn nhất nhì Sài Gòn.

    - Thì nó yêu đâu tôi gả đó, chứ có ép duyên nó đâu.

    - Anh không ép nhưng anh và chị Hai cứ nói vô khiến con Thúy phải xiêu lòng. Tui nói có đúng không? Bốn cái sinh nhật và một cái đám cưới đã giúp vợ chồng anh năm nay kiếm rất bộn bạc. Rất tiếc là thằng Quyền đã có vợ rồi, nếu không...

    - Chú im đi, chú không được bêu xấu tôi!

    - Tui nói đúng, tui không im! Năm tới anh về hưu đúng không? Nên năm nay anh Hai muốn “hốt hụi” cú chót chứ gì? Bây giờ đã “hết chiêu” rồi, anh muốn lôi mẹ ra làm lễ thượng thọ để kiếm thêm tiền chứ gì? Tui nói thật anh vừa bất hiếu vừa bất nhân lắm anh Hai à! ...

    Ông Hai giận dữ bỏ ra về. Cũng từ đó mọi liên lạc của gia đình ông Ba với gia đình ông Hai đều bị cắt đứt. Thư từ gởi đi thì bị trả lại, điện thoại gọi thì bị cúp máy không một ai trả lời ...

    II.
    Một tuần sau, ông Ba vội vã lên thành phố. Đến biệt thự của ông Hai, ông Ba vô cùng ngạc nhiên vì thấy có nhiều người ra vào tấp nập. Bữa tiệc lớn được tổ chức tại sân vườn, có sân khấu được trang trí rất đẹp. Ngồi cạnh ông Hai là một bà lão tóc bạc phơ, bận chiếc áo dài nhung màu đỏ sậm, nét mặt vô cùng phúc hậu. Ông Ba nhìn lên sân khấu bỗng điếng hồn khi nhìn thấy một tấm bảng treo với dòng chữ khổ lớn: Lễ thượng thọ!

    Thấy ông Ba, ông Hai vội kéo ông Ba ra ngoài. Ông Ba nhìn thẳng vào mắt ông Hai rồi nói:

    - Chuyện anh Hai đang làm tui không có ý kiến gì cả. Tui lên đây chỉ báo cho anh biết tin rồi tui về ngay. Mẹ vừa mới mất tối hôm qua!

    Ông Hai như người mất hồn lơ ngơ đi vào sân vườn. Một đám người ăn bận sang trọng mang bia và rượu ào tới vây quanh ông Hai.

    - Mẹ của sếp tuy đã lớn tuổi rồi nhưng bà cụ đẹp lão và vẫn còn khỏe mạnh quá. Sếp thật có phúc. Mời sếp nâng ly cùng bọn em để chúc thọ cho bà cụ. Phải cạn một trăm phần trăm nghe sếp!

    Thanh Trắc Nguyễn Văn




    Ghi chú: ảnh minh họa sưu tầm từ internet


  4. #4
    Ngày tham gia
    Jul 2016
    Bài viết
    381
    Xu
    99

    Mặc định




  5. #5
    Ngày tham gia
    Jul 2016
    Bài viết
    381
    Xu
    99

    Mặc định

    Truyện ngụ ngôn đã đăng trên Tạp chí Non Nước số 211, tháng 6 năm 2015

    -----------------------------------------------------------------------


    chim họa mi

    Truyện ngụ ngôn: NGƯỜI THẦY HỌA MI

    Tại Khu rừng chim, một khu rừng dành riêng cho các loài chim, năm nào cũng đều có cuộc thi hót của các loài chim do nhà hiền triết Cú Mèo tổ chức. Tuy đã nhiều năm trôi qua nhưng giải hót hay vẫn cứ lẩn quẩn thuộc về các nghệ sĩ hót Hoàng Anh, Sơn Ca và Họa Mi. Thấy vậy nhà hiền triết Cú Mèo mới nảy ra sáng kiến đề nghị ba chàng nghệ sĩ trên hãy tự chọn cho mình mỗi người một học trò riêng để truyền dạy hết bí quyết nghệ thuật hót, nhằm tạo thêm sự phong phú cho nhiều giọng hót hay dự thi. Ai có học trò đoạt được giải xem như sẽ thắng lớn cho mùa thi năm sau.




    chim sơn ca

    Thế là Hoàng Anh, Sơn Ca và Họa Mi cùng treo bảng tuyển chọn giọng hót hay. Có ba chú chim là Chèo Bẻo, Cu Gáy và Chích Chòe, vốn là bạn thân vẫn thường chơi chung với nhau, nghe tin liền cùng hẹn nhau đi học hót. Chèo Bẻo được Hoàng Anh chọn, còn Cu Gáy được Sơn Ca chọn. Riêng Chích Chòe bị các nghệ sĩ hót Hoàng Anh và Sơn Ca chê nên phải chạy qua nhà nghệ sĩ Họa Mi xin học. Sau khi nghe Chích Chòe thử giọng Họa Mi bằng lòng nhận Chích Chòe làm học trò.


    Mấy tháng trôi qua, trong khi Hoàng Anh và Sơn Ca tận tình chỉ dạy cho Chèo Bẻo và Cu Gáy rất chi li từng cách lấy hơi, từng động tác cổ, từng bước chân đứng,... thì Chích Chòe hầu như chỉ đến nhà Họa Mi để tự hót chơi trước sự chứng kiến của Họa Mi. Kết quả là Chèo Bẻo và Cu Gáy tiến bộ rất nhanh, khi hót ai cũng đều khen hay. Còn Chích Chòe thì dù có rất nhiều cố gắng vẫn không bằng được hai bạn.

    Ngày thi đã gần kề, Chích Chòe nản quá xin được nghỉ học vì sợ dự thi sẽ bị rớt. Họa Mi liền nghiêm mặt nói:

    - Ai dám nói con thi sẽ bị rớt? Gần một năm nay ta ngày nào cũng phải kiên nhẫn nghe con hót là để tìm năng khiếu và những nét đặc trưng cho giọng hót của con đó. Bắt đầu từ hôm nay con bắt buộc phải tập luyện cật lực theo sự chỉ dạy của ta...

    Mùa thi hót của các loài chim trong Khu rừng chim lại được tổ chức. Năm nay có đến sáu giọng hót hay được vào vòng chung kết. Ba giọng hót vàng Hoàng Anh, Sơn Ca và Họa Mi lại tiếp tục đoạt giải và Ban tổ chức cuộc thi quyết định sẽ trao thêm một giải nữa cho giọng hót thứ tư. Đại diện Ban giám khảo, nhà hiền triết Cú Mèo bay ra giữa hội trường phát biểu:

    - Ban giám khảo rất bối rối vì năm nay đã có thêm ba giọng hót mới: Chèo Bẻo, Cu Gáy và Chích Chòe đều là những giọng hót xứng đáng được vinh dự đoạt giải. Rất tiếc là chúng tôi chỉ được phép chọn một mà thôi.

    Bạn Chèo Bẻo, bạn hót hay lắm và vũ điệu cũng rất đẹp. Nhưng sao giọng hót và vũ điệu của bạn cứ giống y chang người thầy của bạn là Hoàng Anh vậy? Chúng tôi đã có giải cho Hoàng Anh rồi, nên không thể trao thêm một giải nữa cho bản sao của Hoàng Anh là bạn được. Xin bạn Chèo Bẻo thông cảm.

    Còn bạn Cu Gáy. Giọng hót của bạn là hay nhất và điêu luyện nhất trong ba thí sinh còn lại. Tôi trước kia rất ái mộ giọng hót của cụ Cu Gáy Xám là ông nội tổ của bạn, người cũng đã từng nhiều năm liền đoạt giải giọng hót vàng của Khu rừng chim. Giọng hót của cụ Cu Gáy Xám quả thật là tuyệt, có rất nhiều cung bậc đã từng làm xao xuyến muôn loài. Từ ngày cụ Cu Gáy Xám mất đi, Khu rừng chim cứ như mất đi một cung bậc của cuộc sống. Nghe tin bạn Cu Gáy dự thi tôi mừng lắm. Nhưng buồn thay, giọng hót của bạn không phải là giọng hót thất truyền của dòng họ Cu Gáy Xám lừng danh mà tôi đã từng được nghe. Giọng hót của bạn lại là giọng hót của dòng họ Sơn Ca! So với Sơn Ca, thầy của bạn, bạn không thể nào so sánh nổi. Do đó giọng hót của bạn xem như đã được thầy của bạn là Sơn Ca đại diện lãnh giải rồi.

    Còn Chích Chòe, nhiều giám khảo cho rằng không bằng Chèo Bẻo và Cu Gáy nhưng rõ ràng là giọng hót của Chích Chòe không thể lẫn vào đâu được. Đó là giọng hót rất riêng, rất đặc trưng cho dòng họ chim Chích Chòe. Tuy vẫn còn ít nhiều non nớt nhưng Ban giám khảo tin rằng với sự cố gắng của chính mình, giọng hót của Chích Chòe sẽ vẫn còn tiến xa hơn nữa.

    Ban giám khảo xin tuyên bố Chích Chèo xứng đáng là giọng hót vàng thứ tư đoạt giải trong năm nay. Khu rừng chim chúng ta vô cùng hân hoan vì ngoài giọng hót vàng quen thuộc của Hoàng Anh, của Sơn Ca, của Họa Mi; Khu rừng chim của chúng ta năm nay còn có thêm giọng hót rất mới của Chích Chòe...

    Chích Chòe chạy đến ôm chầm lấy thầy Họa Mi. Trong một phút xúc động, các loài chim thấy mắt của Họa Mi và Chích Chòe đều rưng rưng nhòa lệ...

    2012

    Thanh Trắc Nguyễn Văn



    chim chích chòe lửa

    Ghi chú: ảnh minh họa sưu tầm từ internet

    ---QC---


Trang 1 của 4 123 ... CuốiCuối

Thông tin về chủ đề này

Users Browsing this Thread

Có 3 người đang xem chủ đề. (0 thành viên và 3 khách)

DMCA.com Protection Status